Mình vẫn luôn có những chuyến đi kỳ lạ như thế, không kế hoạch, không chuẩn bị, chỉ là một buổi chiều muộn nhận ra mình muốn rời khỏi Sài Gòn. Có một người bạn đồng hành. Và đi.
Mục Lục
5h đồng hồ chạy đêm và bắt hụt mặt trời
Quảng đường gần 200 cây số từ Sài Gòn đến Mũi Né không hẳn là quá dài, và năm giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy là quá đủ để có mặt ở vùng biển xinh đẹp này vừa kịp trước bình minh. Nhưng sẽ không có cảnh bình minh rực rỡ với quả cầu lửa đỏ lòm nhô lên từ đâu đó ngoài đường chân trời đâu. Ở Mũi Né, mùa này, bạn chỉ có thể ngắm mặt trời lặn một cách tuyệt diệu, sau đó ngay lập tức trăng lên, chậm rãi, tròn xoe từ phía biển lúc trời chỉ vừa nhá nhem tối.
Trong suốt năm giờ đồng hồ chạy xe đó, chính mình cũng đã mường tượng rằng mình đang đi dọc bình mình, đi về phía mặt trời, và chắc chắn mình sẽ bắt kịp được lúc mặt trời vừa nhô lên khỏi biển. Sai lè. Nếu muốn bắt được khoảnh khắc đặc biệt đó, hẳn chúng ta phải ráng đi thêm vài chục cây số nữa, đi trên con đường dài tít tắp với vô định phía trước, với cát và xương rồng hai bên, với tiếng gió ầm ì từ biển. Ở đó sẽ có mặt trời nấp sau những đám mây nhô lên từ lúc nào không rõ. Ở đó sẽ có nắng nhanh chóng lan rộng khắp. Và đêm chuyển thành ngày.
Bàu Trắng – ốc đảo bé nhỏ giữa hoang mạc
Lần đầu tiên đến, từ hơn 2 năm trước, con đường đẹp thiệt đẹp vẫn chưa làm xong, mình đã từng mắc lầy ngay công trường, từng lún cát, từng mém xíu thì không biết phải ra khỏi những đồi cát ở đó bằng cách nào.
Lần thứ hai đến, mình chỉ nhận ra con đường lầy lội năm nào đã được trải nhựa láng o, hai bên đường là lề cát trắng, ngay cả land phân cách cũng ngập cát. Con đường dài mê mải khiến mình trầm trồ, thích thú, say mê ngắm nhìn. Đó cũng là chuyến đi hiếm hoi mình thực sự được đuổi theo mặt trời. Chuyến đi này mình đến, là những cảm nhận hoàn toàn khác.
Con đường vẫn đẹp, vẫn trải dài mê mải. Đồi cát vẫn cao, vẫn mịn, vẫn sáng bừng dưới ánh mặt trời.
Nhưng chuyến đi này, mình mới biết đây là vùng đất mỗi năm những cơn mưa ít ỏi đến mức người ta nhớ được nó có bao nhiêu cây. Và 7 cây mưa trong năm nay, tính tới thời điểm này, là đã nhiều hơn cả số cây mưa của 2 năm trước cộng lại. Còn mình, chỉ biết than sao năm nay Sài Gòn mưa miết.
Ở cái mảnh đất khô cằn và hiếm hoi những cơn mưa đó, may sao, vẫn còn Bàu Sen, là nguồn sống, là nguồn nước ngấm ra những mạch ngầm, để chỉ cần đào giếng sâu 4-5m là đã có nước ngọt để dùng. Mình nghĩ, cuối cùng thì mẹ đất sẽ chẳng triệt đường sống của ai bao giờ. Đúng vậy không?
Người già – trẻ em – bánh khoai mì
Đất chỉ có cát. Xứ chỉ có người già. Hiếm hoi xuất hiện vài đứa trẻ. Đôi khi mình cũng ngạc nhiên, những bức ảnh nghệ thuật đoạt giải này giải kia với những đứa trẻ mặc áo dài, áo trắng đi bộ trên những đồi cát cao vợi và rực rỡ ánh nắng kia, có thực là cuộc sống này không? Mình đã đến đó. Cái mảnh đất khó nhằn đó chỉ có người già.
Mùa hè nắng rát, mình và bạn, chúng mình đã đi khắp nơi khắp chốn, vậy mà chạy xe máy vẫn còn thấy rõ cái nắng, cái gió, thi thoảng có cả cát quất rát vào mặt. Những người già, muốn mua thức ăn phải ra buổi chợ Phan Rí cách đó gần 20 cây số. Bánh khoai mì nhà làm, tỉ mẩn từng công đoạn mà từ lúc bắt đầu đến lúc mẻ bánh ra lò ngót nghét 12h đồng hồ, chỉ có thể bán với giá 2000đ/cái. Tổng thu nhập mỗi ngày chưa tới 100 ngàn, đó là đã tính luôn cả tiền bán nước cho khách lỡ đường như tụi mình, tính luôn cả khoản củi tự đi lượm về nấu bánh thay vì phải mua. Và vì mình lỡ đường lúc giữa trưa, hai người già mời hai đứa trẻ ăn cơm chung, thiệt tình, thiệt lòng, và không lấy tiền.
Người già ở đây có con cái. Cả mấy đứa đi làm xa, lấy vợ lấy chồng, mỗi năm về được mấy bữa. “Nó để tiền lo cho nhà nó chớ, hai bác còn tự sống được, nuôi con lớn đâu phải để con nuôi lại.” Người già ở đây, dù khổ vẫn không chịu là gánh nặng của người trẻ. Mỗi ngày lại mót củi nấu bánh, mỗi ngày lại nhìn trời chờ đón từng cây mưa một. Rồi nhớ cả số cây mưa của nhiều năm trước đó. Mình đã đến đó. Cái mảnh đất khô cằn loe hoe vài đứa trẻ con.
Trẻ con nghe người lớn nói chuyện ngang phè, cũng bỏ luôn chữ “dạ”, không biết chữ “vâng”.
“Em hông đi học hả?”
“Nghỉ hè rồi!”
“Chữ “dạ” đâu, sao nói chuyện với chị trống không vậy?”
“Dạ…” “Không, em lớn rồi, cần gì “dạ””
“Ủa, chị nói chuyện với cô chú vẫn phải “dạ” nè. Chỉ có con nít mới nói chuyện trống không thôi. Lớn rồi là phải biết phép tắc chứ.”
“Dạ.” “Mà anh chị đi chơi hả …”
Trẻ con vẫn là trẻ con. Trẻ con dễ nắn.
Trẻ con không cho chụp hình. Trẻ con chịu chụp hình chung. Trẻ con bị gạt chụp hình với bạn.
“Ngày mai mặc đồ đẹp, chị quay lại chụp hình em nha”
“Dạ thôi, chắc gì còn gặp lại.”
Tự dưng buồn. Đúng là chắc gì mình quay lại được đúng căn nhà đó, gặp đúng đứa trẻ đó. Bao nhiêu năm di chuyển, bao nhiêu mảnh đất bước qua, có được mấy người mình gặp lại.
Lê Nguyên