Đúc kết kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc, phượt Sapa từ thổ địa

Mình là Hải Ông Địa của Thổ Địa Du Lịch Viettravelo.com, trong bài này mình xin chia sẻ kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc, lịch trình phượt Sapa tham khảo do mình đúc kết từ Thổ Địa. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Sapa ý nghĩa nhất.

Thị trấn Sapa trong mây!
Thị trấn Sapa trong mây!

Sa Pa Trong Tôi

Sapa là một trong những điểm tới sau cuối trong hành trình xuyên Việt của tôi. Như đã có hẹn với Sapa từ trước. Tôi đặt chân tới Sapa vào một ngày không mùa cũng không ý định hay lịch trình gì cả – chỉ đơn giản là muốn đi.

Sapa trong tôi
Sapa trong tôi

Trước đó, Sapa Sapa trong tôi là một nơi rất lạnh lẽo và bình yên qua tác phẩm ” Lặng Lẽ Sapa” của Nguyễn Trung Thành. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi tới Sapa là như bị lạc trôi giữa một thị trấn mờ sương không định hình được gì đi đâu và về đâu? Phải mãi đến tối hôm ấy, tôi mới định hình được mình đang ở đâu và bắt đầu tìm cho mình được khoảng trống và lên lịch trình trải nghiệm cuộc sống ở Sapa. Sau chuyến đi đó đã khiến tôi quay trở lại Sapa nhiều lần, thế nhưng mỗi lần lại cho tôi một cảm nhận khác nhau và ngày một yêu Sapa hơn nữa. Nếu có cơ hội tôi cũng muốn sống một thời gian ở trên đó.

Ấy vậy mà kể từ ngày đầu đến Sapa đến giờ mà gần 4 năm, tới hôm nay mới có dịp ngồi  chia sẻ với bạn bè và cộng đồng một số thông tin kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc tiết kiệm cần thiết cho người đi lần đầu. Với mong muốn mọi người có những hành trang cơ bản để một chuyến du lịch Sapa đáng nhớ nhất của bạn.

Sapa ở đâu?

Là một thị trấn vùng cao thuộc huyện Sapa, tỉnh Lào Cai (ở phía Tây Bắc của Tổ quốc), Sapa nằm ở độ cao 1500 – 1650 mét so với mực nước biển, trên sườn núi Lô Suây Tông. Thị trấn này cách thành phố Lào Cai 38km, cách thành phố Hà Nội 376km. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Tam Đường, Lai Châu.

Cách di chuyển đến Sapa từ Hà Nội – Phương tiện di chuyển tại Sapa

Để đến Sapa từ Hà Nội, bạn có thể tự đi bằng xe riêng (ô tô, xe máy) đi xe khách hoặc tàu hỏa. Theo mình, mỗi phương tiện đều có những ưu nhược điểm riêng. Tùy thuộc vào điều kiện tài chính, sức khỏe mà bạn lựa chọn cho mình cách đi phù hợp và an toàn nhé!

Đến Sapa bằng xe riêng

Để đến Sapa bằng xe riêng, bạn có thể sử dụng xe máy hoặc ô tô với cung đường đi như sau.

Đi bằng ô tô

Bạn đi thẳng tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Với cung đường này bạn sẽ đi mất khoảng 4h. Khi đi trên cao tốc, bạn lưu ý:

  • Đoạn đường từ Hà Nội – Yên Bái khá rộng, có dải phân cách ở giữa, tốc độ tối đa được phép chạy là 100km/h.
  • Đoạn từ Yên Bái – Lào Cai đường hẹp, không có dải phân cách mà chỉ có vạch ở giữa, tốc độ tối đa được phép chạy là 80km/h. Ngoài ra, đoạn này cũng có nhiều xe tải lớn, chạy chậm nên rất khó để vượt đúng luật. Vì thế, các bạn cần quan sát thật kỹ và phải kiên nhẫn điều khiển xe đúng luật nhé.
Đi bằng xe máy

Đi xe máy từ Hà Nội lên Sapa là phương án được nhiều bạn trẻ có “máu phượt” lựa chọn. Với cách đi này, bạn có thể tiết kiệm được kha khá chi phí đi lại, đồng thời rất chủ động về thời gian và phương tiện. Tuy nhiên, theo mình thấy thì quãng đường Hà Nội – Sapa khá xa, nếu bạn không phải là người có sức khỏe tốt cũng như tay lái vững, bạn không nên lựa chọn cách này.

Để di chuyển bằng xe máy lên Sapa bạn có thể lựa chọn những cung đường sau:

1: Hà Nội – Vĩnh Phúc – Việt Trì – Phong Châu – Đoan Hùng – Yên Bái – Lào Cai – Sapa (tổng đường khoảng 360km)

2: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây – Cầu Trung Hà – Cầu Phong Châu – Phong Châu – Đoan Hùng – dọc đường 70 – Lào Cai – Sapa (tổng đường 370km)

3: Hà Nội – Hòa Lạc – Sơn Tây –  Cầu Trung Hà – Thanh Sơn – Đèo Khế – Tú Lệ – Mù Căng Chải – Than Uyên – Ngã ba Bình Lư – Đèo Ô Quy Hồ – Thác Bạc – Sapa (tổng đường hơn 420 km). Đường này tuy xa hơn, nhiều đèo, dốc hơn nhưng bù lại, cảnh đẹp bên đường sẽ khiến bạn cảm thấy xứng đáng.

Phượt Sapa bằng xe máy là cách du lịch Sapa được nhiều người trẻ lựa chọn. Ảnh Internet
Phượt Sapa bằng xe máy là cách du lịch Sapa được nhiều người trẻ lựa chọn. Ảnh Ông Địa
Lưu ý khi du lịch Sapa bằng xe riêng

Khi lựa chọn đến Sapa bằng ô tô, xe máy, bạn cần chú ý:

  • Mang đầy đủ giấy tờ xe
  • Đảm bảo các yếu tố an toàn của phương tiện như phanh, đèn…
  • Đi đúng luật: Đi đúng làn, vượt đúng luật, đội mũ bảo hiểm (xe máy)…
  • Đổ đầy xăng và chú ý theo dõi xăng
  • Mang theo dụng cụ sửa xe cơ bản
  • Chú ý quan sát khi di chuyển trên đường để đảm bảo an toàn

Đi xe khách

Di chuyển đến Sapa bằng xe khách, bạn có thể lựa chọn xe ghế ngồi, giường nằm hoặc xe chất lượng cao limousine. Tùy chất lượng xe mà thời gian chạy cũng như giá cả có sự chênh lệch nhẹ giữa các hãng.

Cá nhân mình nhận thấy đi xe khách thì bạn sẽ phải tốn tiền hơn một chút nhưng bù lại phương tiện này khá nhanh và an toàn.

Dưới đây là một số nhà xe bạn có thể tham khảo.

vip  Khai Phát Limousine: khởi hành liên tục từ 5h-20h từ 2 đầu giá vé là 400K/ chiều. Gọi 0936 345 111 để lấy ưu đãi chỉ còn 350K/vé.

  • Sapa Express 

– Loại xe: Limousine 29 ghế – Giá vé: 350k/vé

– Loại xe: Giường nằm 32 chỗ – Giá vé: 280k/vé

  • Camel Travel
  • Loại xe: Giường nằm – Giá vé: 230k/vé
  • Queen Cafe 
  • Loại xe: Giường nằm – Giá vé: 240k/vé
  • Sao Việt
  • – Loại xe: Giường nằm 40 chỗ – Giá vé: 240k/vé
  • – Loại xe:  Limousine Vip 9 ghế – Giá vé: 340k
  • Shuttle Bus

Loại xe: Ghế ngồi 22 chỗ – Giá vé: 150k/vé

  • Hưng Thành
  • – Loại xe: Giường nằm 40 chỗ – Giá vé: 220k/vé
  • Hà Sơn Hải Vân
  • – Loại xe: Giường nằm – Giá vé: 220k/vé
  • Hưng Thành
  • Loại xe: Giường nằm 40 chỗ – Giá vé: 220k/vé
  • Eco Sapa Limousine

Loại xe: Limousine chất lượng cao – Giá vé: 400k

Lưu ý: Giá vé có thể thay đổi tùy thời điểm (lễ, Tết…). Các bạn có thể click vào link của từng nhà xe để biết thêm thông tin chi tiết.

Đi tàu hỏa

Ngoài xe khách, xe máy, ô tô riêng, bạn cũng có thể đến Sapa bằng tàu hỏa. Tàu sẽ dừng ở ga Lào Cai (cách Sapa gần 40km), do đó bạn phải bắt taxi, đi xe bus hoặc đi xe ôm đến Sapa. So với các phương tiện kia, thời gian tàu chạy từ Hà Nội đến Sapa có thể lâu hơn, khoảng 7 – 8 tiếng do tàu dừng lại ở khá nhiều ga trên hành trình. Giá vé dao động từ hơn 100k (ghế phụ) đến 600k (nằm khoang điều hòa).

Cá nhân mình không thích đi bằng tàu lắm vì giá khá cao và thường phải đặt vé từ sớm. Nếu đi vé rẻ thì bạn sẽ rất mệt bởi phải ngồi ghế cứng khá lâu. Tuy nhiên, nếu bạn nào bị say xe thì phương tiện này lại là một sự lựa chọn hợp lý.

Bạn tham khảo ngày, giờ tàu chạy cũng như giá vé trên trang của Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhé.

Phương tiện đi lại ở Sapa

Du lịch Sapa, tham quan các địa điểm nổi tiếng, bạn có thể đi bằng taxi hoặc xe máy.

Nếu đi bằng taxi, bạn nên thỏa thuận giá cả và cung đường trước khi lên xe. 3 hãng taxi được đánh giá có chất lượng tốt là:

  • Taxi Fansipan – Điện thoại: 0203 62.62.62
  • Xanh Sapa taxi – Điện thoại: 0203 63.63.63
  • Taxi Tây Bắc – Điện thoại: 0203 620 620 

Còn nếu thuê xe máy ở Sapa thì bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như:

  • Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai – Số 02 Fansipan, TT Sapa – Điện thoại: 020 3871975
  • Anh Tuấn – 19 Thạch Sơn, Thị trấn Sa Pa – Điện thoại: 0983 644588
  • Anh Tráng – TT Sapa – Điện thoại: 0935 999886
  • Phong Lan – 21 Thạch Sơn, TT Sapa – Điện thoại: 0983 644588
  • Anh Chung – 33 Mường Hoa, TT Sa Pa – Điện thoại: 0916 053009
  • Khách sạn Hoàng Hà – Số 08B đường Thác Bạc, TT Sapa – Điện thoại: 0203 872 535
  • Anh Chinh – 44 Fansipan, TT Sapa – Điện thoại: 0988 628 515
  • Khách sạn Thành Đạt – Đường Thạch Sơn, phố Hàm Rồng, TT Sapa – Điện thoại: 01234346668 hoặc 0973865292

Khi thuê xe máy tại Sapa, bạn lưu ý:

  • Kiểm tra kỹ về còi, đèn, khóa, những hư hỏng ban đầu… trước khi nhận xe
  • Nên chọn loại xe dễ sử dụng hoặc bạn quen dùng
  • Nếu đi vào mùa lễ, Tết, bạn nên liên hệ trước, tránh tình trạng hết xe

Giá thuê xe máy ở Sapa dao động từ 80 – 240k/ngày. Tuy nhiên, bạn cần hỏi kỹ xem có được thuê qua đêm hay đi ngoài Sapa không vì mỗi mức giá sẽ có mức sử dụng khác nhau.

Du lịch Sapa mùa nào đẹp nhất?

Không biết có phải do mình quá yêu Sapa hay không mà với mình mảnh đất này lúc nào cũng đẹp. Mỗi mùa Sapa lại đẹp theo một sắc thái riêng, mang đến cho người ta những cảm nhận riêng.

Nhờ vị trí địa lý thuận lợi (vùng núi cao Tây Bắc) nên Sapa có khí hậu khá mát mẻ. Một ngày ở đây thường có đủ 4 mùa. Buổi sáng là tiết trời xuân ấm áp, hơi se lạnh. Buổi trưa nhiệt độ tăng mạnh, nắng nhẹ nhàng, gió hiu hiu thổi. Chiều đến, thị trấn chìm trong sương và mây, tiết trời lành lạnh như mùa thu. Còn ban đêm, khi nhiệt độ xuống mức thấp nhất trong ngày, Sapa mang cái rét, cái giá buốt của mùa đông.

Sapa mùa xuân – mùa hoa đào, hoa mận

Mùa xuân là mùa đẹp nhất ở Sapa (theo cảm nhận của riêng mình) đặc biệt là thời gian sau Tết. Lúc này thời tiết không còn quá lạnh giá như mùa đông. Cây cối đâm chồi nảy lộc, mầm xanh ở khắp nơi mang đến cho thị trấn một vẻ đẹp căng tràn nhựa sống.

Vào mùa xuân, Sapa bạt ngàn hoa sắc hoa. Hoa bên sườn đồi, lưng dốc. Hoa len lỏi trong những khóm tre ngà, bên hàng rào và hai đường vào bản. Nào là sắc trắng thanh khiết của hoa mận, hoa mơ; sắc hồng phớt của hoa đào, sắc vàng, sắc trắng của hoa cải… Những cô bé người dân tộc lưng đeo gùi, quần áo sặc sỡ vui đùa trong thung lũng… Tất cả những hình ảnh ấy bạn sẽ chỉ thấy được khi du lịch Sapa vào mùa xuân. Vẻ đẹp rực rỡ của hoa, của người khiến đất trời như bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài.

Lưu ý: Mình từng thấy khá nhiều người, đặc biệt là thợ ảnh tiếc nuối vì không “săn” được lúc hoa nở đẹp nhất. Vì vậy, trước khi lên Sapa ngắm hoa, các bạn theo dõi các bản tin thời tiết ở nơi đây để nắm được thời điểm hoa nở đẹp nhất. Bởi nhiệt độ ở Sapa phụ thuộc nhiều vào những đợt gió mùa đông Bắc từ Trung Quốc, do đó thời gian hoa nở cũng không giống nhau trong từng năm. Tốt nhất bạn nên đến vào khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4.

Sapa mùa xuân mang vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Ảnh Internet
Sapa mùa xuân mang vẻ đẹp tràn đầy sức sống. Ảnh Internet

Sapa mùa hè – mùa mận 

Nếu như mùa hè ở dưới đồng bằng trời nắng chói chang, cháy da cháy thịt thì ở Sapa lại vô cùng mát mẻ và dễ chịu. Nhiều người còn ví thị trấn như một ngôi làng nào đó ở châu Âu. Không còn hoa đào hoa mận, Sapa lúc này khoác lên mình chiếc áo xanh rì, tươi mát của rau quả và lúa non. Đây là thời điểm các loại rau bắt đầu được thu hoạch, lúa đang thì con gái. Bởi ở Sapa chỉ có một vụ lúa 6 tháng, thường bắt đầu từ đầu tháng 4 khi người dân gieo mạ, đến tháng 7 thì lúa sắp trổ đòng.

Bên cạnh đó, những cơn mưa mùa hè bất chợt không chỉ giúp không khí thêm trong lành, thoáng đãng mà còn góp phần tạo nên biển mây tuyệt đẹp. Ngoài ra, nếu du lịch Sapa vào mùa hè, bạn còn có cơ hội được nếm thử sản vật nổi tiếng như mận Hậu, mận Tả Lý, mận Tả Van, mận vàng, mận đỏ, mận Tam Hoa…

Du lịch Sapa mùa hè, bạn sẽ cảm nhận không khí mát mẻ và vô cùng dễ chịu. Ảnh Internet
Du lịch Sapa mùa hè, bạn sẽ cảm nhận không khí mát mẻ và vô cùng dễ chịu. Ảnh Internet

Sapa mùa thu – mùa lúa chín 

Vào khoảng đầu tháng 9 đến cuối tháng 10, khi lúa đã chín, Sapa dần chuyển mình sang sắc vàng rực rỡ. Mùa lúa chín Sapa mang một vẻ đẹp nhẹ nhàng, tinh tế khiến ai cũng phải nín lặng để thưởng thức. Những thửa ruộng bậc thang nối tiếp nhau như kéo dài vô tận. Màu vàng của lúa, màu xanh của rừng núi bao quanh và màu trắng của mây trời tạo mang đến cho a cảm giác bình yên đến lạ.

Để chiêm ngưỡng vẻ đẹp này, bạn có thể đến các bản Lao Chải Tả Van, bản Tả Phìn… Ngoài ra, nếu muốn ngắm nhìn Sapa ẩn hiện trong biển sương mờ, bạn cũng có thể leo lên đỉnh Hàm Rồng.

Mùa thu, Sapa khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ. Ảnh Internet
Mùa thu, Sapa khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ. Ảnh Internet

Sapa mùa đông – mùa băng tuyết

Nếu bạn là người mê mẩn phim Hàn Quốc, đặc biệt là những cảnh quay lãng mạn dưới tuyết, bạn nên đến Sapa vào mùa đông. Đây là một trong số ít nơi ở Việt Nam có thể có tuyết. Mình nói là có thể chứ không phải chắc chắn vì hiện tượng này không xảy ra quá thường xuyên. Chỉ khi miền Bắc đón những đợt không khí lạnh thì những miền núi cao như Sapa, Mẫu Sơn, Đồng Văn… mới có băng tuyết. Còn bình thường, nhiệt độ ở đây sẽ ở mức trên dưới 10 độ C, trời rất rét. Trước khi lên Sapa “săn” tuyết, bạn cần theo dõi liên tục những bản tin thời tiết để cập nhật chính xác tình hình.

Du lịch Sapa vào mùa đông, bạn sẽ có cơ hội được ngắm tuyết rơi. Ảnh Ông Địa
Du lịch Sapa vào mùa đông, bạn sẽ có cơ hội được ngắm tuyết rơi. Ảnh Ông Địa

Khách sạn, resort, homestay ở Sapa

Du lịch Sapa, bạn có sẽ có rất nhiều lựa chọn về nơi lưu trú. Nếu là người có tài chính tốt, bạn có thể nghỉ ngơi tại các khách sạn, resort chất lượng cao. Nếu điều kiện của bạn kém hơn một, bạn có thể lựa chọn những khách sạn 3 sao. Còn nếu bạn là sinh viên, muốn tiết kiệm chi phí cũng như trải nghiệm cuộc sống của đồng bào dân tộc, mình nghĩ homestay là lựa chọn khá phù hợp.

Và đừng quên một số ưu đãi đặc biệt từ Booking.com dưới đây.
Booking.com

Khách sạn, resort ở Sapa

 Bạn có thể tham khảo một số khách sạn, resort như:
– Sapa Jade Hill Resort
+ Địa chỉ: Mường Hoa
+ Giá phòng: Từ 3 – 6,7 triệu đồng/đêm
+ Dịch vụ: Nhà hàng, dịch vụ giặt là…
Xem ưu đãi đặt phòng Sapa Jade Hill Resort trên Booking.com
– Victoria Sapa Resort & Spa
+ ĐỊa chỉ: Đường Xuân Viên, trung tâm Sapa
+ Giá phòng: Hơn $100/ngày đêm, resort chuẩn 4.5 sao
+ Dịch vụ: Wifi, hồ bơi, massage, phòng xông hơi, spa, phòng gym…
Xem ưu đãi đặt phòng Victoria Sapa Resort & Spa trên Booking.com
U Sapa Hotel 
+ Địa chỉ: Phố Cầu Mây
+ Giá phòng: Khoảng 1,5 triệu đồng/đêm
– Amazing Sapa Hotel
+ Địa chỉ: Trung tâm thị trấn Sapa
+ Giá phòng: KHoảng 1,7 triệu đồng/đêm
– Khách sạn Sapa Pinocchio Hotel
+ ĐỊa chỉ: 15 Mường Hoa
+ Giá phòng khoảng $23
+ Dịch vụ: Wifi miễn phí, có dịch vụ giặt là, bao gồm bữa sáng, cho thuê xe đạp…
– Khách sạn Green Valley
+ Địa chỉ 45 Mường Hoa
+ Giá phòng khoảng $11/đêm
– Khách sạn Pumpkin Sapa
+ Địa chỉ: Số 14 Đồng Lợi
+ Giá phòng: Khoảng $22/ngày đêm
Dịch vụ: Wifi miễn phí, cho thuê xe đạp…
–  Bamboo Sapa
+ ĐỊa chỉ: 18 Mường Hoa
+ Giá phòng: Khoảng hơn 1 triệu đồng/đêm

Homestay ở Sapa

Dưới đây là một số homestay đẹp, chất lượng mà bạn có thể tham khảo khi du lịch Sapa.

– H’Mong Cát Cát

+ Địa chỉ: Bản Cát Cát

+ Giá phòng: Từ 150 – 500k/người/đêm

– VietTrekking Homestay

+ Đia chỉ: Gần khu Than Khoáng Sản

+ Giá phòng: 200k/phòng đơn và 300k/phòng đôi

Giá phòng ở đây là 30$/ đêm/ phòng 2 người. Thêm người thứ 3 phụ thu 10$/ người.

– Tavan Ecologic Homestay

+ Địa chỉ: Xã Tả Van

+ Giá phòng khoảng $4 – $5

The Haven Sapa Camp Site

+ Địa chỉ: Đầu bản Cát Cát

+ Giá phòng: Phòng dorm giá 150k/đêm/người (có ăn sáng). Phòng Bungalow 2 người có giá 1,2 triệu/đêm hoặc 1,4 triệu/đêm.

– Eco Palms House

+ Địa chỉ: Lao Chải

+ Giá phòng: Từ 800k – 1200k/phòng/2 người

Gem Valley 

+ Địa chỉ: Đường Fansipan, Sapa

+ Giá phòng: Khoảng 200k/người/đêm

Lưu ý: Giá phòng khách sạn, resort, homestay ở trên có thể thay đổi tùy từng thời điểm.

Địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sapa không thể bỏ qua

Du lịch Sapa, bạn nhất định phải check-in tại 10 địa điểm nổi tiếng:

  • Nhà thờ cổ Sapa
  • Núi Hàm Rồng
  • Bản Cát Cát
  • Lao Chải Tả Van
  • Bãi đá cổ Sapa
  • Bản Tả Phìn
  • Thác tình yêu
  • Thác Bạc
  • Cổng trời
  • Đỉnh Fansipan

Nhà thờ cổ Sapa – kiến trúc châu Âu trong phố núi

Được xây dựng vào năm 1895, nhà thờ Đá Sapa là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại. Nhà thờ tọa lạc ở trung tâm thị trấn, phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng – nơi diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc của phố núi.

Nhà thờ có diện tích khoảng 500m2, nằm trong một khuôn viên rộng 6000 m2 với nhiều khu khác như nhà thiên thần, nhà ở của thầy tu… Là công trình xây dựng của người Pháp nên nhà thờ cổ Sapa có hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã với mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp, tạo nên nét bay bổng thanh thoát. Ngoài ra, toàn bộ nhà thờ đều được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) và liên kết với nhau bằng hỗn hợp vôi, cát và mật mía

Núi Hàm Rồng 

Núi Hàm Rồng nằm ngay sát ngay thị trấn Sapa, chỉ cách 3km. Đây là một địa điểm lý tưởng để ngắm ngắm toàn cảnh Sapa, thung lũng Mường Hoa, Tả Phìn và đỉnh Fansipan ẩn hiện trong sương khói.

Cái tên Hàm Rồng của ngọn núi này bắt nguồn từ chính hình dáng của nó: ngọn núi trông giống như đầu rồng hướng lên trời xanh. Để lý giải cho sự sắp xếp thú vị này của tạo hóa, nhiều truyền thuyết đã ra đời, trong đó có một câu chuyện tình của một đôi rồng. Theo đó, vùng này từng là nơi trú ngụ của hai con rồng yêu thương nhau mãnh liệt. Mải mê vui đùa, chúng không biết rằng đang có trận đại hồng thủy xảy ra. Khi biết chuyện thì đã quá muộn, mỗi con bị nước cuốn về một nơi. Núi Hàm Rồng ngày nay là con rồng cái ở lại. Quá nhớ thương người tình nên đến tận lúc hóa đá, con rồng cái vẫn hướng về phía Tây dãy Hoàng Liên Sơn – nơi rồng đực nằm đó.

Ngày nay, nhờ bàn tay tôn tạo của con người, núi Hàm Rồng là một thắng cảnh đầy hoa trái của Sa Pa. Du lịch Sapa, bạn hãy thử một lần leo lên đỉnh núi để cảm nhận mây ùa kín thân người, hoa rực rỡ mặt đất nhé!

Vé tham quan Hàm Rồng là 70k/người.

Bản Cát Cát

Nằm dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 2km, bản Cát Cát (xã San Sả Hồ) là một bản lâu đời đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây thu hút du khách nhờ vẻ đẹp vừa hoang sơ, vừa thơ mộng. Bao trùm ngôi làng là màu xanh biếc của đồng ruộng, của núi đồi, xen lẫn là vài chục nếp nhà nhỏ bé, đơn sơ.

Đường vào Cát Cát không phải là đường bê tông hay đường đất mà là bậc thang lát đá, 2 bên là nhà dân. Trung tâm bản là nơi hội tụ của 3 dòng suối ngày đêm rì rầm là suối Tiên Sa, suối Vàng và suối Bạc  và ngọn thác Cát Cát (thác Tiên Sa) tung bọt trắng xóa. Cạnh thác có cầu treo Si và cầu treo A Lứ – địa điểm “sống ảo” yêu thích của rất nhiều du khách.

Ngoài ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, khi đến bản Cát Cát, bạn còn có cơ hội khám phá nét văn hóa đặc sắc của người Mông qua nghề thủ công truyền thống như:

  • Trồng lanh
  • Dệt vải
  • Đan lát dụng cụ sinh hoạt
  • Rèn nông cụ
  • Chế tác đồ trang sức tinh xảo bằng bạc, đồng như: vòng cổ, vòng tay, xà tích…

Vé tham quan bản Cát Cát là 70k/người.

Check-in bản đẹp nhất Sa Pa 'ai đi một lần cũng nhớ'
Check-in bản đẹp nhất Sa Pa ‘ai đi một lần cũng nhớ’

Lao Chải Tả Van

Bản Lao Chải – Tả Van cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 7km là nơi sinh sống của người dân tộc Giáy, Mông, Dao. Nếu đi từ trung tâm thị trấn Sapa, bạn đi dọc phố Cầu Mây rồi rẽ sang phố Mường Hoa.

Khác với thị trấn Sapa ồn ào, đông đúc, bản Tả Van nằm nép mình bên thung lũng Mường Hoa xinh đẹp. Đường vào bản là đường đất và khá hẹp, uốn lượn quanh các ngọn đồi nhấp nhô. Hai bên đường là những thửa ruộng bậc thang màu mỡ khoác lên mình màu xanh biếc và vàng óng của ngô và lúa non (vào mùa hè) và của lúa chín (vào mùa thu).

Đến thăm bản Tả Van khi du lịch Sapa, bạn không chỉ được khám phá thiên nhiên bình yên, tươi đẹp, trải nghiệm sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây mà còn có cơ hội thưởng thức những bữa cơm bình dị mà ngon miệng với rau ngoài nương, cá dưới ao, gà lợn nuôi hay một số món ăn đặc sản vùng cao như:

  • Cá suối nướng Mường Hum
  • Thắng cố thịt ngựa Mường Khương
  • Thịt lợn cắp nách Bắc Hà
  • Xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn…

Bản Tả Phìn

Nằm cách thị trấn Sapa khoảng 17km về phía Đông, bản Tả Phìn là vùng đất đẹp hoang sơ, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngôi làng là nơi cư trú của đồng bào người Dao đỏ và người Mông. Giống như Tả Van, đường vào bản Tả Phìn men theo sườn núi quanh co, hai bên là những thửa ruộng bậc thang nối tầng xếp lớp.

Đối với mình, Tả Phìn không chỉ thu hút nhờ cảnh sắc thiên nhiên mà còn gây ấn tượng bởi sự hiếu khách của người dân ở đây. Họ đón chào du khách bằng nụ cười niềm nở và lời mời ghé xem các sản phẩm thổ cẩm của làng như khăn, túi xách, ví tiền… Trong trang phục đỏ rực rỡ, các cô gái Dao ngồi thêu khăn, áo rất khéo léo và sẵn sàng giới thiệu cho mọi người về quy trình dệt vải. Ngoài thổ cẩm, tắm lá thuốc của người Dao cũng là một dịch vụ rất hấp dẫn.

Sau khi tham quan khám phá văn hóa, nếp sống, bạn cũng có thể ghé thăm hang động Tả Phìn ở gần đó. Trong hang có nhiều nhũ đá với những kỳ thú như hình tiên múa, đoàn tiên ngồi, cánh đồng xa…

Khi đến bản Tả Phìn, bạn cần chú ý tới những phong tục của người dân như:

  • Không được huýt sáo khi đi tham quan bản
  • Vào nhà dân không được ngồi gian giữa
  • Không úp bát xuống bàn khi ăn
  • Không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước…
Tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn là một trải nghiệm bạn nên thử khi du lịch Sapa. Ảnh Internet
Tắm lá thuốc của người Dao đỏ ở Tả Phìn là một trải nghiệm bạn nên thử khi du lịch Sapa. Ảnh Internet

Bãi đá cổ Sapa

Bãi đá cổ Sapa nằm trong thung lũng Mường Hoa (xã Hầu Thào), cách thị trấn Sapa khoảng tầm 8km về phía Đông Nam. Được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1925, bãi đá cổ Sapa là bằng chứng cho sự xuất hiện của người tiền sử.

Bãi đá có gần 200 khối đá, trải trên một diện tích khoảng 8km2. Đặc biệt, trên các phiến đá có nhiều hình thù độc đáo, lạ mắt. Có khối khắc hình ruộng bậc thang, khối khắc hình nhà sàn, chữ viết… rất rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều hoa văn khó hiểu, khơi gợi trí tưởng tượng của người xem. Song dù hình chạm khắc có là gì đi nữa thì chúng đều khiến du khách và các nhà nghiên cứu không khỏi tò mò, sừng sỡ trước sự huyền bí ấy.

Thác Tình yêu Sapa

Một trong những địa điểm mà mình nghĩ mọi người không nên bỏ qua khi du lịch Sapa là thác Tình yêu. Ngọn thác nằm tại xã San Sả Hồ, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 14km về phía Tây Nam.

Theo những đồng bào dân tộc ở đây, thác Tình yêu là nơi gặp gỡ của một nàng Tiên trên trời và chàng Ô Quy Hồ làm nghề đốn củi. Hai người yêu nhau nhưng không thể đến với nhau vì sự phản đối của nhà Trời. Cuối cùng vì nhớ người yêu, nàng Tiên hóa thành loài chim lông vàng, bay quanh đỉnh núi rồi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi.

Để tới được thác Tình yêu, bạn sẽ mất khoảng 20 phút đi xuyên qua khu rừng trúc xanh mướt. Sau đó bạn men theo con đường đất đỏ để đến suối Vàng. Từ đây, đi ngược lên thượng nguồn chính là thác Tình yêu.

Vé tham quan thác Tình yêu là 70k/người.

Thác Tình yêu ở Sapa gắn liền với truyền thuyết về một câu chuyện tình buồn. Ảnh Internet
Thác Tình yêu ở Sapa gắn liền với truyền thuyết về một câu chuyện tình buồn. Ảnh Internet

Thác Bạc Sapa

Thác Bạc nằm ở phía Tây Sapa, trên quốc lộ 14D, cách thị trấn này khoảng 12km. Dòng thác cao hơn 200m, đêm ngày nước chảy ào ào, tung bọt trắng xóa xuống dòng suối dưới thung lũng Ô Quy Hồ. Đây là một địa điểm rất lý tưởng vào mùa hè. Dòng nước mát rượi, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, kỳ bí chắc chắn sẽ khiến bạn phải nhớ mãi.

Thác Bạc Sapa
Thác Bạc Sapa

Từ thác Bạc, đi thêm 3 km nữa sẽ đến Đỉnh Đèo. Nơi này có tầm nhìn tuyệt đẹp lên Fansipan, dưới sâu là con đường độc đạo đi sang Bình Lư.

Vé tham quan thác Bạc là 30k/người.

Cổng trời Sapa (đỉnh đèo Ô Quy Hồ)

Du lịch Sapa, không khi nào mình không lên Cổng trời. Và mình nghĩ là nhiều người cũng vậy. Địa điểm nằm cách Sapa khoảng 17km về phía Bắc. Nơi đây từng có trạm khí tượng thủy văn – nguyên mẫu trong truyện ngắn Lặng lẽ Sapa của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Đỉnh Đèo Ô Quý Hồ hay gọi là Cổng Trời Sapa- địa điểm check-in và đón hoàng hôn không thể bỏ qua khi đến Sapa
Đỉnh Đèo Ô Quý Hồ hay gọi là Cổng Trời Sapa- địa điểm check-in và đón hoàng hôn không thể bỏ qua khi đến Sapa

Đường lên Cổng trời quanh co, uốn lượn giữa lưng chừng núi. Con đường này chính là con đèo Ô Quy Hồ nổi tiếng – một trong “tứ đại đỉnh đèo” ở phía Bắc.

Lên đến Cổng trời, bạn sẽ được phóng tầm mắt tới những thung lũng rộng lớn cùng với ruộng nương xanh rì, nhìn thấy con đường xuôi ngược, ngắm được vẻ đẹp của Sapa ở phía xa, vẻ yên bình hiếm thấy của Thác Bạc, vẻ kiêu sa hùng vĩ của đỉnh Fansipan. Đặc biệt, nếu qua đây vào khoảng 5h chiều, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một khung cảnh hoàng hôn vô cùng lãng mạn.

Đỉnh Fanxipan – Nóc nhà Đông Dương

Đỉnh Fansipan nằm ở độ cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á. Địa điểm này cách thị trấn Sapa khoảng 9km về phía Tây Nam. Để lên đỉnh núi, bạn có thể đi bộ hoặc đi cáp treo.

  • Đi bộ: Chinh phục Fansipan theo đường bộ là thử thách được nhiều người nhà leo núi, người trẻ ưa khám phá, mạo hiểm lựa chọn. Bởi nếu đi bộ, bạn sẽ phải vượt qua nhiều km đường núi hiểm trở, khó khăn. Tuy nhiên, bù lại, bạn sẽ được ngắm nhìn hệ động thực vật và thiên nhiên kỳ thú dọc đường đi. Phần thưởng này mình nghĩ là rất xứng đáng với những gì bạn bỏ ra. Để leo lên đỉnh núi trong thời gian ngắn nhất, bạn cần có một sức khỏe thật tốt, tinh thần vững vàng và một số kỹ năng nhất định. Để đảm bảo an toàn, bạn nên đi theo tour của các công ty du lịch hoặc nếu tự tổ chức, bạn cần có một người dẫn đường là người dân bản địa.
  • Cáp treo: So với đi bộ, chiêm ngưỡng đỉnh Fansipan bằng cáp treo chỉ mất 15 phút. Kể từ khi đi vào hoạt động vào đầu năm 2016, tuyến cáp treo Fansipan Sapa đã giúp rất nhiều du khách khám phá nóc nhà cao nhất Đông Dương. Đây cũng là tuyến cáp treo được Guinness chứng nhận 2 kỷ lục Guinness: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1410m) và Cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6292.5m). Giá vé đi cáp treo là 700k/người/khứ hồi đối với khách du lịch và 500k với người tỉnh Lao Cai.

Ăn gì ở Sapa ? Những đặc sản Sapa nhất định phải thử

Sapa không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, khí hậu ôn hòa, văn hóa dân tộc đặc sắc mà còn bởi nền ẩm thực đa dạng, riêng biệt. Du lịch Sapa, bạn nên thưởng thức những món ngon nổi tiếng như lợn cắp nách, trâu gác bếp, thắng cố, cải mèo… để cảm nhận nét đặc trưng của vùng cao Tây Bắc.

Thắng cố

Thắng cố là món ăn nổi tiếng của đồng bào dân tộc Mông. Một chảo thắng cố truyền thống bao gồm thịt và nội tạng ngựa, được ướp với thảo quả, quế chi, hoa hồi và nhiều gia vị khác trước khi ninh nhừ trên bếp than.

Thắng cố là một món ăn rất “kén người”. Nó không có màu sắc hay cách bày biện bắt mắt, hương vị cũng khiến nhiều người e ngại. Tuy nhiên, du lịch Sapa mà không ăn thắng cố thì coi như chưa thực sự tìm hiểu về ẩm thực phố núi. Thắng cố ngon nhất khi ăn nóng cùng cải mèo và nước chấm pha ớt Mường Khương, bên cạnh có bát rượu ngô cay nồng.

Để thưởng thức món ăn này, bạn có thể đến các phiên chợ Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa.

Thịt lợn cắp nách

Lợn cắp nách là loại lợn được nuôi thả rông từ lúc mới đẻ. Khi lợn được khoảng 10 – 15kg, người dân có thể dắt hoặc cắp lợn vào nách để đem ra chợ bán. Dưới bàn tay khéo léo của người đầu bếp, thịt lợn được chế biến thành nhiều món nướng, hấp, xào… món nào cũng ngon khó cưỡng. Chấm miếng thịt lợn dày thớ, ngọt tự nhiên, đậm vị với muối trộn ít ớt xanh lá nhội, hạt dổi, mắc khén… bạn sẽ không thể nào quên món ăn đặc biệt này.

Lợn cắp nách là đặc sản nổi tiếng bạn nên thử khi du lịch Sapa.
Lợn cắp nách là đặc sản nổi tiếng bạn nên thử khi du lịch Sapa.

Lẩu cá hồi

Cá hồi Sapa có xuất xứ từ châu Âu, được nuôi tại chân thác Bạc. Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ thậm chí là có tuyết vào mùa đông nên chất lượng cá hồi Sapa không thua kém cá nhập khẩu. Thịt cá săn chắc, ngọt tự nhiên, không có mỡ và trông rất bắt mắt.

Cá hồi có thể được chế biến thành các món nướng, gỏi… rất ngon. Tuy nhiên, với tiết trời lành lạnh ở Sapa, thưởng thức lẩu cá hồi nóng hổi với măng chua, lá giang, bông bí..theo mình là tuyệt vời nhất.

Thịt gừng

Thị gừng là món ăn truyền thống của người Nùng Dín. Nguyên liệu để làm món này xương sườn, xương sống và thủ lợn. Sau khi băm nhỏ xương, người ta sẽ bóp chúng cùng muối, một ít rượu ngô và gừng tươi giã nhỏ vắt nước. Phần thịt đã sơ chế được mang bỏ vào chum, đổ nước lên rồi đậy kín. Khi nào muốn ăn sẽ lấy ra nấu. Thịt gừng hấp hoặc thịt gừng kho sền sệt thơm ngon, đậm vị, ăn với cơm rất hợp. Nếu du lịch Sapa, bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé!

Thịt gừng kho đậm vị, ăn rất đưa cơm. Ảnh Internet
Thịt gừng kho đậm vị, ăn rất đưa cơm. Ảnh Internet

Thịt gác bếp

Đồng bào dân tộc miền núi thường có thói quen treo các loại thịt trâu, bò, lợn… lên gác bếp, nhằm dự trữ thực phẩm cho mùa mưa lũ hoặc cho những chuyến đi rừng dài ngày. Miếng thịt thăn được cắt dọc, thái to rồi đem ướp gia vị, xâu lại bằng lạt sau đó buộc lên gác bếp cho khô.

Thịt để được vài năm mà không hỏng. Khi nào ăn chỉ cần lấy xuống,cạo sạch lớp bồ hóng rồi đem chế biến… Thịt thơm, ngọt và bùi khiến bất cứ ai thưởng thức cũng khó lòng quên được.

Mầm đá

Nếu bạn đã từng đọc hoặc nghe kể về Trạng Quỳnh thì ắt hẳn cái tên mầm đá không còn xạ lạ. Mầm đá có vị hơi đắng giống ngồng cải bình thường nhưng lại thơm và ngọt hơn. Để chế biến mầm đá, người ta chỉ cần luộc chín, thậm chí là chần qua nước sôi. Mầm đá luộc chấm với muối vừng hoặc nước mắm dầm trứng ăn rất ngon.

Ở Sa Pa, mầm đá chỉ có từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch.

Rau cải mèo

Rau cải mèo là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của người dân phố núi Sapa. Cải mèo lá xoăn, màu xanh sẫm, ăn giòn và ngọt hơn cải thường. Loại rau này thường được xào với mỡ đông hoặc dùng để ăn lẩu. Một điểm khá đặc biệt là người dân ở đây dùng tay ngắt rau chứ không dùng dao cắt. Họ cho rằng nếu dùng dao, cải sẽ mất đi vị ngọt tự nhiên.

Ngoài những món ăn trên, khi du lịch Sapa, bạn cũng có thể thưởng thức thêm các món nướng như cơm lam nướng, cá suối nướng, các loại nấm nướng… Đây đều là những món ăn khá thú vị.

Rau cải mèo là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của đồng bào vùng cao Sapa. Ảnh Internet
Rau cải mèo là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm của đồng bào vùng cao Sapa. Ảnh Internet

Một số địa chỉ thưởng thức món ngon Sapa

Để thưởng thức những đặc sản nổi tiếng trên, bạn có thể tham khảo một số địa chỉ dưới đây:

  • Đồ rừng – Nhà hàng cơm hoa đào – Địa chỉ 48 Lê Văn Tám
  • Lẩu cá hồi, cá tầm – Nhà hàng Cú Tỷ – Địa chỉ 39 Lê Văn Tám
  • Thắng cố – Đặc sản Tây Bắc – Địa chỉ 15 Thạch Sơn
  • Các món nướng – Khu đồ nướng – Địa chỉ phố Cầu Mây
  • Nhà hàng Sapa Lotus – Địa chỉ 34 Cầu Mây

Mua gì làm quà khi du lịch Sapa?

Là một thị trấn vùng cao, khí hậu mát mẻ nên ở Sa Pa có nhiều loại sản vật ngon mà bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè. Đó là:

  • Lê tai nung
  • Đào Sapa
  • Mận hậu Sapa
  • Táo mèo
  • Rau cải mèo, mầm đá
  • Nấm hương rừng
  • Rượu táo mèo

Lưu ý khi du lịch Sapa

  • Nếu đi Sapa vào mùa cao điểm, bạn nên đặt vé xe, phòng trước để tránh trường hợp hết vé.
  • Bạn nên mang theo giấy tờ tùy thân như CMTND, giấy phép, bằng lái xe… để dặt phòng và thuê xe.
  • Nên mang trang phục gọn nhẹ nhưng đảm bảo đủ ấm. Mùa hè thì bạn nên mang một chiếc áo khoác mỏng vì ban đêm trời hơi lạnh. Mùa đông bạn cần áo ấm, găng tay, khăn, mũ len để chống lại cái rét vùng cao.
  • Nếu phượt bằng xe máy, bạn cần chuẩn bị áo mưa và đồ sửa xe cơ bản.
  • Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên đường.
  • Nên đi giày thể thao hoặc những loại giày bệt, không nên đi giày cao gót, giày búp bê.
  • Mặc trang phục thấm hút mồ hôi tốt.
  • Bạn nên chuẩn bị kính, khẩu trang, khăn, găng tay… để tránh bụi bẩn.
  • Bạn nên mang theo đồ ăn nhẹ vì sẽ phải đi bộ khá nhiều nên rất nhanh đói.
  • Chuẩn bị thiết bị chụp ảnh đẹp để không bỏ lỡ khoảnh khắc nào.

Trên đây là bài viết Kinh nghiệm du lịch Sapa của tôi. Nếu có góp ý hoặc thắc mắc gì, bạn có thể bình luận trực tiếp dưới bài viết này, tôi rất vui lòng giải đáp. Chúc bạn có chuyến du lịch Sapa thật vui vẻ và ý nghĩa!

Xem thêm: Du lịch Sapa mùa xuân 2018, Tour Sapa 3 ngày 2 đêm đặc sắc từ Thổ Địa

About Thổ Địa Sa Pa

Chào mừng bạn đến với trang cá nhân của Thổ Địa Du Lịch Sa Pa của Viettravelo, nơi chia sẻ tất tần tật về kinh nghiệm du lịch Sa Pa, các địa điểm du lịch Sa Pa không thể bỏ qua, mới nổi. Món ăn nên thử khi đến Sa Pa.. con người .. và nhiều thứ khác ở Sa Pa. Mọi thông tin hỏi đáp cập nhật vui lòng commnent tại đây hoặc inbox cho fanpage: https:///www.facebook.com/viettravelo

LIKE ĐI BẠN ƠI

  • commentsComments Off on Đúc kết kinh nghiệm du lịch Sapa tự túc, phượt Sapa từ thổ địa

    Bình luận

  • Zalo

    Send Zalo

  • icon find

    Tìm kiếm