Tôi vẫn hay nói, mình là đứa con gái miền Nam, bị trời đày nên trót lỡ đem lòng yêu miền Bắc. Sống ở Sài Gòn, vậy mà, một năm, số lần tôi bay ra Hà Nội còn nhiều hơn số lần lê thân ra bến xe, mua chiếc vé xe khách về nhà, nơi chỉ cách thành phố hơn 200km.
Tôi đến miền Bắc lần đầu tiên vào một ngày mùa đông mưa phùn rét mướt, cứ thế vác mười mấy ký hành lý trên lưng mà đi bộ khắp phố phường Hà Nội. Lần đó, tôi đi Hà Giang, Ninh Bình, cả Ba Vì nữa. Trở về mà trong lòng cứ thòm thèm, phải chi, mình có thêm vài ngày nữa. Chưa đầy 3 tháng sau, tôi đã lại ngồi trên máy bay, mơ về những cánh hoa mận trắng muốt. Tháng 9, khi mùi lúa thơm ngào ngạt trên những ngọn núi sườn đồi, tôi lại lên đường với chiếc vé đã đặt từ 6 tháng trước. Lang thang một vòng rộng từ Yên Bái lên Lào Cai, rồi qua Hà Giang, cái tên Bản Giốc thôi thúc tôi nối dài hành trình của mình. Cho đến tận lúc đó, trong lòng tôi, Cao Bằng vẫn là cái gì đó rất xa xôi và lạ lẫm.
Từ Đồng Văn, tôi băng qua những con đường điệp trùng đá núi, ngang cả Khau Vai đợi chờ khắc khoải. Cao Bằng đón tôi bằng “cơn mưa bụi” mịt mù. Đoạn đường ngang Bảo Lâm đang thi công, đá sỏi lởm chởm, từng đoàn xe tải kéo nhau tung từng lớp bụi trắng xóa, cả quần áo, tóc tai, ba lô của tôi đều bạc phếch ra, ngay cả miệng cũng lạo xạo bụi đất. Tôi vừa chạy vừa lầm bầm trong bụng, cho đến khi…
Cánh rừng trúc ở Nguyên Bình thình lình hiện ra sau một khúc cua, không một lời báo trước. Thân vàng óng, lá xào xạc trong gió, ngân lên khúc ru thật khẽ. Tôi dừng xe, leo lên triền dốc, nằm dài dưới tán rừng. Trong giấc mơ trưa, tôi thấy mình đang nhẹ nhàng đu mình trên những ngọn trúc uốn cong…
Trước đó, với tôi, Cao Bằng chỉ là Bản Giốc hùng vĩ qua ảnh chụp, là hang Pác Pó, là suối Lê-nin lưu danh sử sách. Ngày quyết định chạy sang Cao Bằng, tôi vẫn kiên quyết không tìm hiểu gì thêm, để cho tâm mình trống, để mỗi điều bắt gặp trên đường đi đều mới mẻ. Và, để cho mọi thứ sẽ là vô tình gặp, chứ không phải chủ ý đi tìm.
Đó là một ngày thu vàng nắng. Con đường từ thành phố Cao Bằng đến thác Bản Giốc chẳng khác gì thiên đường, khi mà tôi đã trải qua chặng đường “kinh hoàng” ở Bảo Lâm. Thế nhưng, tôi không tài nào bắt mình đi nhanh hơn được. Tôi đứng giữa đèo Mã Phục, nhìn xuống thung lũng phía xa, những muốn hét lên. Tôi đã lại làm được rồi, chinh phục thêm một con đèo ở Đông Bắc, bằng chính khả năng của mình. Rồi tôi ngẩn ngơ bên cánh đồng vừa gặt ở Trùng Khánh. Mùi rạ thơm lừng dưới nắng. Cả thung lũng được phủ lớp mật vàng tươi. Dòng Quây Sơn xanh màu ngọc bích, ánh lên trong nắng chiều.
Tôi nheo mắt nhìn những tia nắng chiếu xiên, những giọt mồ hôi tí tách rơi mặt ruộng, những quang gánh nặng trĩu lúa mới, tất bật về nhà. Mặc kệ chuyện tôi chỉ có một mình giữa núi đồi xa lạ, mặc kệ cả tóc lẫn lông mày đang chẳng khác chi bạch mi lão quái, bao nhiêu bực dọc đều tan hết, chỉ còn lại an yên. Dòng sông kiên nhẫn uống quanh từng quả núi, hiền hòa như người mẹ trở về căn nhà nơi những đứa con đang nôn nao chờ đón.
Có ai đó từng nói với tôi, một chuyến đi, dài bao lâu cũng được, chỉ cần một khoảnh khắc duy nhất em thấy tâm đắc, thì chuyến đi đó thành công rồi. Thật ra, “ai đó” không hẳn là ai đó, chỉ vì, họ đã trở thành người dưng, nên không muốn nhắc tên nữa, duy những câu nói, vẫn khắc ghi trong lòng.
Đôi lúc, tôi thấy sao mình dễ dãi quá chừng, người ta phải ăn được món ngon đắc ý, gặp người tâm giao, hay, nhìn thấy một khung cảnh ngoạn mục, mới có thề ồ lên trầm trồ. Thế mà, chỉ cần vài ngọn trúc đong đưa, vài giọt nắng rớt qua vai, vài sợi rơm rối tung trong gió, tôi đã “mềm nhũn” ra. Để rồi, tối đó, gác đầu lên chiếc gối trong căn phòng lạ, nghe rì rầm tiếng thác phía xa, vẫn thấy nắng rọi lên trong lòng mình. Mùi rạ mới theo tôi cả vào trong giấc ngủ.
Một Cao Bằng như thế, có “ngộ” lắm không?