Đúc kết kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, phượt Huế từ Thổ Địa

Mình là Luận Luận – Thổ Địa du lịch tại Huế của Viettravelo, Trong bài này mình xin được chia sẻ kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, phượt Huế do mình đúc kết. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Huế ý nghĩa nhất. 

Có thể nói được sinh ra ở Huế là điều khiến mình tự hào nhất. Mình nghe nhiều bạn bảo Huế buồn lắm, Huế trầm lắm, Huế hiền lắm. Ừ thì bạn bảo đúng rồi đó nè. Nhưng mà, chính những cái đó đã làm nên những nét đặc trưng “rất chi là Huế” mà hiếm có nơi nào có được. Thậm chí, mình thấy đi đâu ai cũng bảo con gái Huế dịu dàng, duyên dáng, gần gũi hẳn một phần bạn sẽ không ngờ rằng một phần tính cách trầm mặc của Huế đã tạo nên những cô gái Huế như vậy. Vì thế, nếu có tò mò về mảnh đất Huế thân thương, hãy theo chân mình nhé. Hôm nay mình sẽ là Thổ Địa Huế cho các bạn du lịch vòng quanh Huế nghe.

Toàn cảnh thành phố Huế / Flycame Yamaha Trung Ta

Huế ở đâu? 

Huế cách TP Hà Nội 669Km, cách TP Hồ Chí Minh 1049KM và cách TP Đà Nẵng 101Km. Vì là thành phố nằm ngay giữa mãnh đất hình chữ S nên bạn có thể đến Huế từ Bắc hay Nam bằng đường bộ, đường sắt hay đường hàng không. Hằng ngày có rất nhiều chuyến bay, chuyến tàu hay ô tô từ Hà Nội – Huế, Sài Gòn – Huế. Còn mình thấy, nếu có điều kiện, bạn có thể chạy xe máy đến đây.

Ở đây có nước sông Hương
Có cây núi Ngự có đường Nam Giao
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh
Thâm u một dải hoàng thành
Đình suông con én không đành bay đi
(Nguyễn Bính, Vài nét Huế)

Có thể nói, đều mà mình thích nhất khi nói về Huế chính là thành phố có dòng sông Hương chảy giữa lòng thành phố. Mỗi đêm dạo 2 bên bờ sông hay khám phá qua những con đường nhỏ xung quanh, bạn sẽ thấy một không khí rất chi là dịu êm.

Nên đến Huế vào thời gian nào? 

Mỗi năm có 4 mùa, ấy thế nhưng ngay chính cả người Huế như mình chỉ đều khẳng định là Huế chỉ có 2 mùa rõ rệt, mùa nắng choi chang và mùa mưa dầm dề. Ấy thế mà lại là cái hay, cái đặc biệt của Huế. Và cho dù bạn đến Huế vào thời gian nào, mình cũng đều sẽ thấy có những nét quyến rũ riêng.

Du khách đến Huế, người gốc Huế đều có ít nhiều kinh nghiệm với khí hậu Huế. Huế bão lụt liên mien vì mưa nhiều gió to. Tháng 7 trời mưa. Tháng 9, hay có mưa dầm, hay thậm chí:
Ông tha mà bà chẳng tha,
Trời cho cái lụt 23 tháng 10. 


Festival Huế hằng năm diễn ra vào tháng 4 âm lịch/ ảnh PLM

Nếu là tín đồ của lễ hội, mình nghĩ bạn nên đến Huế vào khoảng tháng 4 âm lịch. Đây là khoảng thời gian tổ chức Festival Huế hằng năm (Festival và Festival làng nghề). Có một điều mà mình rất tự hào rằng cho dù là thời điểm lễ hội, thế nhưng không giống như những nơi khác, đến Huế bạn vẫn trải nghiệm được nhịp sống không trôi quá nhanh, không đắt đỏ và không chặt chém. :D.


Cứ mỗi độ Huế vào thu, những hàng bằng lăng tím lại đua nhau khoa sắc rợp khắp các nẻo đường. 

Còn nếu bạn muốn có những bức hình lung linh, những trải nghiệm địa phương, hãy đến Huế vào những tháng nắng ráo, từ tháng 1 đến tháng 3 mát mẻ hay vào mùa thu từ tháng 6 đến tháng 11 . Khoảng thời gian này Huế chuyển sang thu (mặc dù thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa) nhưng trời rất là dịu, những con đường rợp bóng hoa bằng lăng tím đến thổn thức.

Tuy nhiên, mình vẫn thích những cơn mưa Huế dai dẳng hơn là mùa nắng ráo. Mình nghĩ, nếu mọi người thích những cái lạ, cái hay và thậm chí và đặc sản “mưa Huế’, tại sao chúng ta không thử trải nghiệm cảm giác này. Đến Huế mùa này thử xem nhé. (Buổi sáng ngồi cà phê trước Đại Nội và ngắm mưa xối xả như tát vào mặt người, cảm giác thật là khác biệt chỉ có ở mỗi sự cảm nhận khác nhau).

Cách đi lại, phương tiện di chuyển du lịch Huế tự túc như thế nào? 

Phương tiện đến Huế

Máy bay: Từ khu vực phía Bắc hay phía Nam, các bạn có thể đến Huế dễ dàng bằng máy bay. Hằng ngày luôn có các chuyến bay với mức giá khá rẻ 2 chiều dao động khoảng 1.000.000 đến 1.500.000 bất kể từ sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, các sân bay lân cận mức giá sẻ còn rẻ hơn. Có 3 hãng hàng không thường xuyên hoạt động: Vietjet, Jestar hay Vietnam Airline để bạn có thể lựa chọn tùy thuộc vào các chương trình khuyến mãi.


Bản đồ di chuyển Hà Nội – Huế bằng đường bộ – hàng không.

Tàu hỏa: Một cách di chuyển khác để ngắm cảnh ven đường là đi bằng tàu hỏa, nhưng di chuyển bằng phương tiện này bạn sẽ rất mệt vì không nghỉ ngơi được nhiều, và vé 6 gường cứng tương đương 4 giường mền tầm 800 ngàn đến 1 triệu đồng.
Nếu đi tàu SE3, bạn sẽ phải ngủ trên tàu một giấc khoảng 12 tiếng tròn (23 giờ đi, 10h45 hôm sau đến ga Huế), còn tàu SE1 đi hết 13 tiếng (đi 19h, đến lúc 8h sáng hôm sau).

Kinh thành Huế – biểu tượng đẹp trong mắt du khách khi đến Huế

Những bạn ở miền bắc muốn đến Huế thì có thể đi từ ga Hà Nội, bắt một chuyến tàu đêm kéo dài khoảng 13 tiếng. Tàu chạy từ 19h00 thì tới khoảng 8h00 đến 8h15 là các bạn có mặt tại Ga Huế. Tàu TN là tàu chậm, sẽ dừng đỗ qua nhiều ga địa phương dọc đường nên đi rất mệt và đêm ngủ cũng không ngon giấc, vì thế mình nghĩ không nên mua.

Xe khách: Đây là loại phương tiện rẻ và dễ dàng di chuyển, có rất nhiều chuyến xe khách đi tới Huế từ Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.

Chuyến xe từ Hà Nội đi Huế sớm nhất khởi hành lúc 07:00 sáng. Thời gian hành trình đi từ Hà Nội đến Huế bằng xe khách giường nằm mất khoảng 13 – 15 tiếng tùy từng hãng xe. Giá vé xe khách giường nằm Hà Nội – Huế trung bình khoảng 270.000 đ/vé. Giá vé xe Hà Nội – Huế rẻ nhất là 250.000 đ/vé, giá vé cao nhất là 280.000 đ/vé.

Đến Huế để khám phá vẻ đẹp của sông núi hòa quyện quyến rũ

Vé xe khách từ TpHCM vào khoảng 450 ngàn đến 650 ngàn đồng/lượt vào ngày thường và khoảng 1.500.000 – 2.000.000 vào dịp Tết. Vé xe khách từ Hà Nội khoảng 200 ngàn đến 450 ngàn tùy thuộc vào các hãng xe.

Gợi ý một số nhà xe di chuyển đến Huế

Tuyến Hà Nội – Huế (Xuất phát ở Hà Nội, dừng ở bến xe phía Bắc hoặc trung tâm)
  • The Sinh tourist: giá vé 209K
  • Nhà xe Nhật Tuấn: giá vé 250k
  • Nhà xe Minh Mập: giá vé 250k
  • Nhà xe Hoàng Long: giá vé 280k
  • Nhà xe Camel Travel: 270K

Tuyến Sài Gòn – Huế (xuất phát ở bến xe Miền Đông, dừng ở bến xe phía Nam)
  • Nhà xe Tâm Minh Phương: giá vé 425k
  • Nhà xe Phương Ty: giá vé 450k
  • Nhà xe Hoàng Long: 490k
  • Nhà xe Minh Phương: 450k
  • Nhà xe Phương Trang: 360k

Cách di chuyển đi lại tại Huế

Có nhiều cách di chuyển khám phá Huế với các loại hình phương tiện khác nhau.

Thuê xe máy: chắc chắn rồi. Với mức giá dao động từ 100k – 150k/ngày, bạn đã có ngay chiếc xe máy để lượn vòng khám phá. Một số địa điểm cho thuê xe máy có thể kể đến:

  • Đường Lê Lợi, khu phố Tây đối diện khách sạn Hương Giang.
  • Đường Hùng Vương, quãng đường từ cầu Trường Tiền đến ngã 6 Hùng Vương giao với Nguyễn Tri Phương (gần quán chè Hẻm nổi tiếng).
  • Đường Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An.
  • Gem’s Cafe (Chị Ngọc) – Địa chỉ: 1/34 Nguyễn Tri Phương Tp Huế
  • Chú Hòe – Địa chỉ: 2 Nguyễn Công Trứ, Tp Huế
  • Hue Motorbike Adventure – Địa chỉ: 35/42 Nguyễn Công Trứ, Tp Huế
  • Nam Thành – Địa chỉ: 48 Lê Lợi, Tp Huế
  • Trường Thiện – Địa chỉ: 19 Đường Hà Nội, Tp Huế

Thuê xích lô: Dạo quanh các thành phố về đêm, không gì tuyệt vời hơn bằng một chiếc xích lô. Chỉ cần bạn dạo quanh thành phố và đặc biệt là đi vòng hết 2 bờ sông Hương thôi là bạn cũng sẽ thấy yêu mến Huế rồi.

Một số địa chỉ thuê xích lô: Bạn có thể đến các tổ xích lô du lịch ở các khách sạn: Hương Giang, Century, Sài Gòn Morin, 2 Lê Lợi, 5 Lê Lợi.

Taxi: Nếu lười di chuyển, bạn có thể thuê ngay taxi với giá cả vừa phải. Một số taxi ở Huế như: Mai Linh: (054) 389 89 89 – (054) 382 47 47, Đông Ba: (054) 384 84 84, Phú Xuân: (054) 387 87 87

Nhà nghỉ, khách sạn, homestay, resort ở Huế

Huế là thành phố du lịch nên đến Huế và để tìm được một nơi nghỉ ngơi với mức giá từ bình dân đến cao cấp, từ nhà nghỉ, khách sạn, nơi nghỉ dưỡng, resort hay homestay đều luôn sẵn có.

Mình sẽ giới thiệu cho bạn một vài địa điểm cộng với chất lượng dịch vụ khá nổi bật phù hợp với từng nhu cầu du lịch của bạn như:

Nhà nghỉ – khách sạn

Nếu không kể đến các khách sạn lớn với mức giá “không bình dân” như: SaiGon Morin, Imperial Hotel, Indochine Palace, Celadon Palace Hue,  … các khách sạn, nhà nghỉ quanh khu phố Tây (Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão) vẫn sẽ là lựa chọn thích hợp nhất cho các bạn.

Và đừng quên một số ưu đãi đặc biệt trên booking.com tại Huế sau:
Booking.com


Homestay Huế chất không kém cạnh gì các homestay Hội An, Đà Lạt

Một số khách sạn, nhà nghỉ giá rẻ mình xin gợi ý:
  1. Khách sạn Hương Giang
    Địa chỉ: Số 51 Lê Lợi, Thừa Thiên – Huế
    ĐT : (08) 36.012.152 . Fax: (84-54) 3823102
  2. Khách sạn Á Đông
    Địa chỉ: số 1 Chu Văn An, Phường Phú Hội, Thừa Thiên – Huế
    ĐT : (054) 3.824.148
  3. Khách sạn An Phước
    Địa chỉ: sô 26 Phạm Ngũ Lão, Thừa Thiên – Huế
    ĐT: (054) 3.824.925
  4. Khách sạn Ancient House
    Địa chỉ: Số 27B Trần Quang Khải, Thừa Thiên – Huế
    ĐT : (054) 3.936.939
  5. Khách sạn Anh Minh
    Địa chỉ: Số 21 Tôn Đức Thắng, Phường Vĩnh Ninh, Thừa Thiên – Huế
    ĐT : (054) 3.831.371
  6. Khách sạn Tràng Tiền
    Địa chỉ: Số 62 Lê Lợi, Thừa Thiên – Huế
    ĐT : (054) 3.829.953

Một số homestay đẹp, giá rẻ tại Huế:

  • Deja Vu Homestay
    Địa chỉ: 191/3 Điện Biên Phủ – TP Huế
    Giá: 180k/người
  • Hue Happy Homestay
    Địa chỉ: 20/26 Võ Thị Sáu, TP Huế
    Giá: 90K/người, 350K/phòng đôi
  • Hue Amazing Home Stay
    Địa chỉ: 21 Phạm Ngũ Lão, phường Phú Hội
    Giá: 100-130K/người


Một góc Deja Vu Homestay

  • Vu Homestay
    Địa chỉ: đường Minh Mạng, TP Huế
    Giá: 150-300k/phòng
  • Mosaic Garden
    Địa chỉ: nằm cách TP Huế khoảng 3.5km, trên con hẻm nhỏ thuộc xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy.
    Giá: 200-500k/phòng
  • April Hostel
    Địa chỉ: 11 Nguyễn Thái Học, TP Huế
    Giá: 100k/người
  • Tịnh Lâm Viên Homestay
    Địa chỉ: Nguyễn Trọng Nhân, thôn Long Hồ Hạ, thị xã Hương Trà, Huế
    Giá: 100 – 1.000.000đ/phòng/người
Một số resort tại Huế:
  • Huế Riverside Boutique Resort & Spa.
    Địa chỉ: 588 Bùi Thị Xuân, Phường Thuỷ Biều, Tp. Huế, Thừa Thiên Huế
  • Pilgrimage Village (Làng Hành Hương)
    Địa chỉ: 130 Minh Mạng, Thủy Xuân, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Vedana Lagoon.
    Địa chỉ: 41/ 23, Đoàn Trọng Truyến, tt Phú Lộc, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
  • La Residence
    Địa chỉ: 5 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Tp. Huế, Huế
  • Banyan Tree Lăng Cô
    Địa chỉ: Cù Dù, Lộc Vĩnh, Phú Lộc, Thừa Thiên–Huế
  • Ana Mandara Huế Beach Resort & Spa.
    Địa chỉ: Thị Trấn Thuận An, Hải Tiến, Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế
  • Alba Thanh Tan Hot Springs Resort
    Địa chỉ: Xã Phong Sơn, Huyện Phong Điền, Phong Sơn, Thừa Thiên Huế.

Xem thêm danh sách khách sạn, homestay, resort tại Huế

Đi du lịch Huế nên tới tham quan những địa điểm nào? 

Tham quan sông Hương – cầu Tràng Tiền

Cầu Trường Tiền hay cầu Tràng Tiền có tất cả 6 nhịp dầm thép hình vành ngược, kết hợp với sông Hương được xem là một trong những biểu tượng của xứ Huế mộng mơ.

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm anh ơi,
Mấy lâu nay mang tiếng chịu lời,
Có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà ra.

Tham quan sông Hương không chỉ có dạo chơi trên cầu, Thổ Địa Huế khuyên bạn hãy trải nghiệm ngồi trên thuyền rồng dạo quanh một vòng dòng sông để thưởng ngoạn cảnh sắc bình yên nơi xứ Huế. Đặc biệt đi thuyền vào ban đêm, bạn còn có thể vừa nghe những làn điệu dân ca, vừa ngắm cảnh thành phố lung linh vào đêm, bạn sẽ có cảm giác như đang sống trong thời kỳ vua chúa ngày xưa vậy đó.

À, nếu đi vào ban đêm vào ngày rằm, đừng quên thả đèn hoa đăng để gửi gắm ước nguyện, tâm tư của mình nhé.

Đại Nội – Kinh thành Huế

Đại Nội là nơi sinh hoạt của 13 đời vua nhà Nguyễn từ vua Gia Long cho đến vua Bảo Đại, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành với lối kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hoa độc đáo.


Ngọ Môn năm cửa, chín lầu
Cột cờ ba bậc, Phu Văn Lâu hai tầng

Nếu có thời gian thong thả thỉ bạn nên dành trọn 1 ngày để có thể tham quan hết Đại Nội một cách chi tiết và mang theo đồ ăn trưa vì trong này không có bán, chỉ bán đồ uống.

Các dịch vụ bên trong: Mặc áo vua chụp ảnh, nếu may mắn thì có thể có Đêm Hoàng Cung.
Giá vé vào tham quan:  là 150.000VNĐ, dịp 30/4 hoặc 2/9 sẽ được miễn phí vé vào cổng.

Lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn

Lăng vua Tự Đức

Lăng vua Tự Đức nằm bên cạnh hồ sen/ ảnh: TC

Một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Tham quan lăng vua Tự Đức mất khoảng 2 tiếng để tham quan hết lăng.

Giá vé tham quan: 100.000VNĐ

Lăng vua Đồng Khánh

Cách lăng Tự Đức khoảng 800 mét. Lăng Ðồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử khác nhau, vừa mang lối kiến trúc xưa vừa chịu ảnh hưởng của kiến trúc Tây Âu. Đây là khu lăng mình thích đến tham quan nhất. Không biết vì sao, nhưng cứ mỗi lần đến lăng này, có nhiều điều làm mình rất có ấn tượng. Còn điều ấn tượng đó như thế nào, bạn thử ghé lại thăm nhé.
Giá vé tham quan: 40.000VNĐ

Lăng vua Minh Mạng

Trong các lăng thì lăng Minh Mạng là xa nhất. Kiến trúc lăng đẹp, hài hòa với thiên nhiên.

Giá vé tham quan: 100.000VNĐ

Lăng vua Khải Định

So với 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng sau cùng, và mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của.

Giá vé tham quan: 100.000VNĐ

Chùa chiền ở Huế

Nếu đến Huế mà không tham quan những ngôi chùa sau thì bạn sẽ chưa cảm nhận hết nét đẹp của mãnh đất cố đô. Mình giới thiệu cho bạn 3 ngôi chùa rất nổi tiếng mà nhất định, đến Huế bạn phải ghé thăm nhé.

Chùa Thiên Mụ

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Linh Mụ, Canh gà Thọ Xương.

Chùa Thiêng Mụ bên dòng sông Hương

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, Kim Long, thành phố Huế. Với quy mô mở rộng và cảnh đẹp tự nhiên, chùa Thiên Mụ đã trở thành ngôi chùa đẹp nhất xứ Đàng Trong. Nằm ngay bên bờ sông Hương, với kiến trúc cổ kính, chùa Thiên Mụ đã góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên trở nên duyên dáng.

Chùa Từ Đàm

Chùa Từ Đàm nằm trên trên đường Sư Liễu Quán, đi vào phía đường Phan Bội Châu hoặc Điện Biên Phủ, là một ngôi chùa điển hình. Cấu trúc chung của chùa là “kiểu chùa Hội”, phối hợp giữa đường nét nghệ thuật kiến trúc mới và cũ, với yêu cầu rộng rãi, cao ráo, cổ kính nhưng đơn giản.

Chùa Từ Hiếu


Một góc chùa Từ Hiếu

Cách thành phố Huế năm cây số về phía Tây Nam, chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ lớn và đẹp bậc nhất ở Huế. Nằm ẩn mình sau một rừng thông rộng lớn, đây là ngôi chùa gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo của người con với mẹ già và là ngôi chùa độc nhất hiện là nơi an nghỉ của các quan thái giám dưới triều đại nhà Nguyễn.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

Một góc Huyền Không Sơn Thượng

Huyền Không Sơn Thượng cách thành phố Huế 17 km, ở núi Chằm, thôn Chầm, xã Hương Hồ, thị xã Hương Trà. Bạn đi theo bờ sông Hương qua chùa Thiên Mụ, qua Văn Thánh, Võ Thánh. Qua cầu Xước Dũ rồi đi hơn 1 km nữa sẽ gặp thôn Đồng Chầm.

Phố đêm Huế – Chợ Đông Ba

Phố đêm Huế


Một góc phố đêm Huế với những gian hàng kiểu nhà rườn Huế

Được hình thành trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu bên bờ sông Hương, kéo dài từ cầu Trường Tiền đến cầu Phú Xuân.

Một điều mình thích nhất ở Huế chính là Phố Đi Bộ, chúng mình hay đi dạo đêm ở phố đi bộ, rồi đứng bên bờ sông nhìn ra phía Cầu Tràng Tiền để xem ánh đèn 7 màu mỗi đêm.

Đi dạo đêm ở phố đi bộ hay phố đêm cũng là cái thú vui không chủ có người dân Huế mà còn cả những du khách trong và ngoài nước. Một vài review cho bạn trước khi đến đây: Chuẩn bị dạ dày cho thật …rỗng để thưởng thức đồ ăn mà không lo về giá. Ăn xong đi dạo một vòng, quay lại tiếp tục thưởng thức món bánh mỳ Tràng Tiền, được bán ngay dưới chân cầu với giá rẻ đến bất ngờ, chỉ từ 8k/bánh.

Chợ Đông Ba

Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Ngó qua Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc.

Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên – Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba như: nón lá Phú Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình… và cả những món ăn Huế truyền thống, bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván.

Các bãi biển xinh đẹp tại Huế

Bãi biển Thuận An


Khu resort Ana Mandara Huế nằm bên bờ biển Thuận An

Nằm cách thành phố Huế 15 km về phía Đông, bãi biển Thuận An nổi tiếng là một điểm tắm mát lý tưởng. Bạn sẽ không khỏi thán phục bởi vẻ đẹp tuyệt mỹ của một vùng trời, vùng biển đặc biệt là khi bình minh lên khi đến với bãi biển Thuận An.

Bãi biển Lăng Cô


Biển Lăng Cô nước trong xanh làm đắm say lòng người

Với bờ biển thoải, cát trắng, nước biển trong xanh, và nhiệt độ trung bình khoảng 25oC vào mùa hè, Lăng Cô là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển.

Một góc Lăng Cô

Ngoài việc tận hưởng những món ăn hải sản tuyệt vời, Thổ Địa Huế khuyên bạn nên đến thăm thắng cảnh Chân Mây và làng chài Lăng Cô gần bãi biển nữa nhé. Rất là tuyệt vời đó.

Bãi biển Cảnh Dương


Giới trẻ Huế rất thích đến Cảnh Dương bởi bãi biển cát trắng rộng, nhiều khu cắm trại và nhiều khu sống ảo/ ảnh. MM

Là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Huế, Cảnh Dương cách thành phố Huế chừng 60km, dài 8km, rộng 200m, hình vòng cung, nằm giữa mũi Chân Mây Tây và Chân Mây Ðông, phong cảnh đẹp hấp dẫn.

Bãi biển có độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước biển trong xanh và tương đối kín gió. Đây là bãi biển không chỉ để nghỉ dưỡng mà còn là địa điểm tụ họp bạn bè, check in sống ảo khá là tuyệt vời nữa đấy.

Phá Tam Giang

Chiều trên Phá Tam Giang

Từ biển Thuận An, xuôi theo dòng sông Ô Lâu để đi dọc theo chiều dài đầm phá. Hơn 15 km chạy dọc theo những con sóng, những cánh đồng và những cây cầu, dọc theo con đầm phá đến với làng chài Thái Dương Hạ. Bạn nhớ ghé thăm Phá Tam Giang để khám phá mảnh đất anh hùng và thưởng thức hải sản ngon tuyệt tại đây.

Vườn quốc gia Bạch Mã


Ở đây thắng cảnh và di tích hòa quyện vào nhau tạo cho Bạch Mã một địa điểm du lịch có nét duyên riêng.

Cách Huế 60 km về phía Nam, ở độ cao 1.450 mét, Bạch Mã là nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Việt Nam và cũng là nơi trekking dành cho các phượt thủ. Trên đỉnh núi hùng vỹ 4 mùa xanh tươi với thác nước, suối rừng, là cả một vùng khí hậu ôn đới như ở SaPa, Tam Ðảo, Ðà Lạt…


Góc nhìn từ đỉnh Bạch Mã

Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Thời gian tốt nhất để du khách đến thưởng ngoạn Bạch Mã là mùa hạ và đầu thu.

Đầm Lập An

Phong cảnh hữu tình của đầm Lập An

Đầm Lập An có tên gọi khác là đầm An Cư nằm gần trục đường quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc trên con đường nối từ Đà Nẵng đến Huế. Đầm có vị trí khá đẹp khi nằm dưới chân đèo Phú Gia với bán kính rộng 15km2. Bao quanh quanh đầm là dãi núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước đầm là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh như ngọc.

Đi du lịch đầm Lập An mùa nào cũng đẹp, nhưng tốt nhất vẫn là các tháng 3 – 6. Dù mùa này nắng khá gay gắt nhưng khi lên hình cảnh sẽ đẹp hơn.

Ăn gì khi tới Huế? 

Là cái nôi ẩm thực của Việt Nam, đồ ăn Huế thường mang một nét đặc trưng riêng với các món ăn phong phú và đa dạng. Đồ ăn Huế thường có vị cay nên nếu ai không ăn cay được thì chắc phải chuẩn bị cả đồ ăn đem theo.

Thổ địa Huế xin giới thiệu đến bạn danh sách những món ăn khá ngon nên thưởng thức khi đến Huế.

Cơm hến – Bún hến – Mỳ hến

Cơm hến/bún hến/mỳ hến ngon nhất chỉ có ở Huế. Cơm hến tuy là món ăn dân dã có khắp mọi nơi dù ở thôn xóm hay đường quê, nghèo mà vẫn sang, đậm đà hương vị.

Cơm hến được làm từ cơm trắng nấu chín và để nguội, hoặc bún hoặc mỳ sợi luộc. Người ta cho phần thịt hến cùng các phụ gia, thêm tóp mỡ được chiên giòn. Cơm hến có thêm chút mắm ruốc Huế vừa bùi, chát, cay và hăng. Được ăn kèm với phụ gia là rau sống gồm có: rau sống, bắp chuối, giá đỗ và ít thân khoai môn trắng thái nhỏ. Lạc được rang vàng và phi dầu vàng cho có màu đẹp mắt.


Quán cơm hến chị Nhỏ vẫn luôn đông khách – không chỉ khách du lịch mà khách địa phương vẫn đến thưởng thức

Địa điểm ăn cơm hến: Cơm hến ngon nhất là ở cồn Hến – Vỹ Dạ, hoặc quán chị Nhỏ, bán trong ngõ đường Phạm Hồng Thái, góc giao với Trương Định – nhưng chỉ bán buổi sáng, đến trưa là hết, hoặc không thì ăn ở số 2 Trương Định. Cơm hến khá rẻ, một tô chỉ khoảng 8.000 –  10.000 đồng.

Các loại bánh Huế: Bánh bèo – bánh nậm – bánh lọc

Thổ Địa Huế phải công nhận rằng bánh bèo/nậm/lọc gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân cố đô như thế nào.

Bánh bèo chén Huế

Bánh nậm

Khoảng từ 3 đến 5 giờ chiều, trên các ngõ phố, những phụ nữ quẩy gánh trên vai hoặc chiếc thúng nhỏ cắp ngang hông, đi bán bánh bèo, bánh lọc đến từng nhà. Người Huế rất thích và đã thành thói quen dùng loại bánh đầy hương vị quê nhà này vào các bữa ăn phụ.

Bánh bột lọc gói – đặc sản đậm chất Huế

Địa điểm ăn bánh Huế: Quán Hàng Me đường Võ Thị Sáu, Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Huế, Bánh bèo Bà Cư
47 Nguyễn Huệ, cung An Định, đường Ngự Bình


Bánh Huế – hương vị ẩm thực Huế

Đừng quên thưởng thức món bún bò Huế

Bún bò Huế chính là linh hồn của ẩm thực Huế, độ ngon và nổi tiếng của món ăn này chắc không phải bàn nhiều. Một tô bún bò Huế gồm có một miếng chân giò, một miếng giò tự nắm, một miếng tiết lợn nhỏ và tất nhiên phải có vài lát thịt bò. Rau ăn kèm cũng rất tươi và phong phú.

Địa chỉ ăn bún bò Huế nổi tiếng nhất:

– 13 Lý Thường Kiệt (cạnh Nhà khách Công đoàn).
– Chị Mỹ: chợ Cống, đường Nguyễn Công Trứ
– Bún bò Hội Nhà Báo: 22 Lê Lợi
– Chị Gái: 3 Lê Huân
– O Cẩm: vườn hoa Phan Đăng Lưu
– Chị Nọ: ngã tư đường Hàn Thuyên, Đinh Tiên Hoàng
–  24 Lê Duẩn, gần bến xe Nguyễn Hoàng (bán vào buổi chiều , tối )
– Bún bò bà Rớt, bún bò công viên Kim Đồng, bún bò chị Phụng (Nguyễn Du )

Bánh canh Huế – Banh canh bà Đợi


Tô banh canh bà Đợi vẫn luôn hấp dẫn những thực khách xa gần

Nằm trên đường Đào Duy Anh, ở cuối một con hẻm nhỏ có một quán bánh canh không bảng hiệu. Quán hoạt động theo lối gia đình ít nhân công nên khách thường phải đợi hơi lâu, vì thế quán được khách quen gọi là quán bà Đợi (người Huế quen gọi là mụ Đợi). Dù bánh canh của quán này được thái sợi dẹt như kiểu Quảng Bình chứ không nén khuôn sợi tròn, nhưng nước dùng thì đặc phong cách Huế.


Hiếm khi khách bỏ sót nước dùng trong tô bánh canh ở quán bà Đợi.

Nước dùng của quán này có vị đậm đà và thơm tự nhiên của tôm. Khi tô bánh canh được bưng ra, nước trong, chả và tôm tươi giòn sần sật, thực khách sẽ gia thêm tiêu, muối, chanh, tương ớt dầu và hành lá thái nhỏ bầy sẵn trên bàn, mặc dù tự nước dùng trong tô đã đủ ngon vị lắm rồi… Vì vậy mà hiếm khi khách bỏ sót nước dùng trong tô bánh canh ở quán bà Đợi.
Địa chỉ quán: 9 Nguyễn Trãi và 34 Ngô Gia Tự

50 món chè Huế

Mỗi loại chè có một hương vị riêng, ngon bổ, tinh tế, thanh và cầu kỳ như chính con người nơi đây. Chè bắp ngọt mát tinh khiết, vừa thơm vừa bùi nấu từ bắp ngô non của cồn Hến, chè hạt sen với thứ hương trầm thật lạ của giống sen hồ Tịnh Tâm – loại sen “tiến vua”. Lại còn chè nhãn bọc hạt sen ngọt thanh, thơm bùi và nhiều loại chè như chè hạt lựu, chè trôi nước, chè khoai sọ, chè bột lọc…

Có một loại chè nghe rất lạ tai mà chỉ Huế mới có: chè bột lọc thịt heo quay. Được chế biến cầu kỳ từ những miếng thịt heo quay cắt khúc nhỏ, bọc ngoài là bột nếp, cho thêm đường nấu thành chè. Khi ăn, món chè này cho ta một cảm giác rất lạ, vừa ngọt lại vừa mặn, béo ngậy khó diễn tả thành lời…

Đại chỉ quán chè Huế nổi tiếng:

  • Chè Cung Đình Huế
    Địa chỉ: 31 Nguyễn Huệ
  • Chè Hẻm
    Địa chỉ: 17 Hùng Vương, Huế
  • Chè Sao
    Địa chỉ: 60 Phan Chu Trinh

Đến Huế nên mua đặc sản gì làm quà? 

Mè xửng

Mè xửng là sản phẩm truyền thống của cố đô và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Huế. Mè xửng được làm từ mè, vừng, xững (cách hoán đường) tạo nên món kẹo mè xửng thơm ngon. Ngoài vừng là nguyên liệu chính, mè xửng Huế được tạo nên bởi bột đậu, mạch nha, bánh đa. Tất cả các nguyên liệu đó, hòa quyện với nhau tạo nên hương vị thơm ngon, béo giòn của mè xửng Huế.

Các loại mắm

Huế nổi tiếng với nhiều loại mắm phong phú như mắm cá cơm, tôm chua, mắm ruốc, mắm rò… Đến Huế, bạn nhớ đặt mua một lọ mắm rò Lăng Cô ngon đúng chất, một lọ tôm chua nguyên con không pha chế, một chai nước mắm cá ngon, thơm nức… để làm quà tặng người thân và bạn bè.

Mứt gừng

Mứt gừng là một trong những món ngon bổ dường người Huế thường dùng để đãi khách, bày tiệc, tráng miệng…

Thanh trà Thủy Biều

Thanh trà Thủy Biều là giống cây đặc sản nổi tiếng từ hàng trăm năm nay ở Huế.

Dầu tràm

Dầu tràm là một trong những sản phẩm truyền thống nổi tiếng của Huế. Dầu tràm có tác dụng phòng ho, tránh gió, cảm lạnh… cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người lớn rất hiệu quả. Từ lâu đối với mỗi gia đình ở Huế trong nhà khi nào cũng có một chai dầu tràm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình. Đây là sản phẩm rất phù hợp để làm quà tặng đầy ý nghĩa khi đến Huế.

Các địa điểm mua sắm quà Huế

Mua sắm các món ăn đặc sản Huế:

Nem chả bà Ký số 3 đường Ðào Duy Từ gần cửa Ðông Ba.
Mè xững Nam Thuận số 135 đường Huỳnh Thúc Kháng; Hông Thuận số 137 đường Huỳnh Thúc Kháng; Thiên Hương số 138B đường Chi Lăng.
Tôm chua số 7 đường Ðặng Trần Côn.
Hạt sen số 3 đường Trần Thúc Nhẫn.
– Ðặc sản Huế Thiên Hương số 131 đường Huỳnh Thúc Kháng.
Bánh Huế Bà Bốn số 5 đường Nguyễn Thiện Thuật.

Mua sắm các món đồ lưu niệm:

– Khu vực các shop bán hàng mỹ nghệ Bội Trân, KS Morin.
– Sơn mài Ðông Ba số 4 đường Trần Hưng Ðạo, chuyên bán hàng sơn mài, mỹ nghệ lưu niệm.
– Nguyễn Phúc Long số 8 đường Hùng Vương, chuyên bán các sản phẩm đúc đồng, tranh ảnh.
– Hướng Dương số 59 đường Phan đăng Lưu, chuyên bán các sản phẩm mỹ nghệ: tranh vẽ.
– Trường Tiền số 51 Trần Hưng Ðạo, chuyên hàng sơn mài,chạm khảm mỹ nghệ, hàng lưu niệm Huế

– Mỹ Nghệ Huế Thương, số 26/1 đường Nguyễn Công Trứ, chuyên sản xuất và bán sản phẩm mỹ nghệ, đặc biệt mỹ nghệ xương
– Mỹ Nghệ Phúc Lộc, số 38 đường Lê Lợi, chuyên sản phẩm mỹ nghệ các loại,
– Phòng tranh thêu lụa Cố Ðô XQ, số 81 Trần Hưng Ðạo, chuyên sản xuất và cung cấp tranh thêu nghệ thuật cao cấp
– Huế số 7 đường Hùng Vương, chuyên bán hàng thêu lụa, tranh ảnh- Sông Hương số 7 đường Hùng Vương, chuyên bán tranh thêu lụa, hàng lưu niệm.
Hoặc ghé các khu chợ lớn như:

– Chợ Ðông Ba, trung tâm thương mại của tỉnh Thừa Thiên Huế, địa chỉ: trên đường Trần Hưng Ðạo – Chợ An Cựu, gần Cầu An Cựu, trên đường Hùng Vương.
– Chợ Bến Ngự, gần cầu An Cựu, trên trục tham quan lăng tẩm về đường Phan Bội Châu.
– Chợ Tây Lộc, đường Nguyễn Trãi.

Gợi ý lịch trình du lịch Huế tự túc

Du lịch Huế tự túc 2 ngày cuối tuần, Thổ Địa Huế sẽ mách bạn lịch trình chi tiết tham quan thành phố, hy vọng bạn sẽ có chuyến đi cuối tuần thật vui.

  • Tối thứ 6, bay từ Hà Nội – Sài Gòn
    – Bay đến sân bay Phú Bài,  đón xe bus hoặc taxi để về khách sạn.
    – Check in khách sạn sau đó hỏi thuê xe máy cho hai ngày thứ 7 và chủ nhật, giá thuê là 100k/ngày đối với xe số.
    – Đi ăn tối lang thang đi dạo đêm Huế.
  • Thứ 7:
    – Dậy sớm ra cầu Trường Tiền ngắm bình minh.
    – Ăn sáng
    – Thăm quan các điểm du lịch: đồi Vọng Cảnh – Lăng Tự Đức –  Lăng Khải Định – Lăng Minh Mạng.
    – Thưởng thức món ăn đặc trưng của Huế.
    Lang thang các con phố vì đường phố ở Huế, thưởng thức chè Huế.
    – Đi dạo, nghe nhạc trên thuyền ở sông Hương, lượn lờ, ăn đêm ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.
  • Chủ Nhật:
    – Ăn sáng
    – Tham quan Đại Nội, chùa Thiêng Mụ, ngồi trong chùa vào buổi trưa nắng rất là mát, thoải mái.
    – Thưởng thức bún thịt nướng, bánh ướt thịt nướng (các quán ăn ngay trên đường đến chùa Thiêng Mụ).
    – Ghé thăm Ga Huế, Trường Quốc học Huế.
    – Đi ăn vặt ở Phạm Hồng Thái, Trương Định.
    – Thu dọn hành lý, check out, bay về Sài Gòn/Hà Nội.

Những lưu ý khi đi du lịch Huế

Để có một chuyến đi du lịch Huế trọn vẹn, Thổ Địa Huế khuyên bạn hãy chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể cả về thời gian, địa điểm, phương tiện di chuyển và mang đủ những vật dụng cần thiết.

– Nên theo dõi thời gian diễn ra các lễ hội ở Huế bởi vì những hoạt động này thường tổ chức vào lịch âm hằng năm, nên bạn cần đối chiếu với lịch dương để book vé xe, vé tàu hay máy bay càng sớm càng tốt để được giá vé rẻ.
– Du lịch Huế tự túc hay bất kì địa điểm nào, các bạn cần lưu ý mang theo các giấy tờ tùy thân sau nhé: CMND gốc hoặc hộ chiếu, bằng lái xe, vé tàu xe, các giấy tờ đặt chỗ và dịch vụ khác.
– Nên mang một quyển sổ tay nhỏ ghi chép những địa chỉ, số điện thoại có thể liên lạc nếu bạn có việc cần liên hệ.
– Để thuận tiện cho việc vệ sinh cá nhân bạn cũng nên chuẩn bị: Bàn chải, kem đánh răng, dung dịch súc miệng, lược, khăn mặt. Dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dung dịch tẩy trang. Kem và đồ dùng cạo râu cho nam, các loại mỹ phẩm, xà phòng diệt khuẩn.
– Cần mang theo bản đồ và các thiết bị điện tử cần thiết như: Máy chụp ảnh, pin, sạc, thẻ nhớ. Nếu bạn đi thuyền Rồng tham quan sông Hương, nhớ gói các thiết bị này cẩn thận vào túi đựng chuyên dụng nhé.
– Du lịch Huế bạn sẽ đi bộ nhiều, vì vậy bạn nên tránh mang giày dép cao gót, nên mang dép mềm để di chuyển được thoải mái.
– Đến chợ Đông Ba mua sắm, mình mách nhỏ các bạn hãy xem thật kỹ lưỡng từng món hàng rồi bắt đầu hỏi người bán và trả giá nhé.

Như vậy là mình đã giới thiệu xong kinh nghiệm du lịch Huế tự túc dành cho tất cả những ai muốn đến Huế du lịch. Hy vọng bạn sẽ có một chuyến trải nghiệm thật ấn tượng với mảnh đât cố đô. Cuối cùng, Thổ Địa Huế xin cám ơn các bạn đã đọc kinh nghiệm này. Hãy tìm trên google đúc kết kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, kinh nghiệm du lịch Huế, phượt Huế cùng Thổ Địa nhé. 

 

 

 

About Thổ Địa Huế

Mình là Luận Luận - Thổ Địa Huế (thodiahue.com) của Thổ Địa Du Lịch Viettravelo.com, rất vui khi được chia sẻ du lịch cùng các bạn. Với mong muốn là Thổ Địa dẫn đường cho mọi chuyến du lịch của bạn tại Huế. Bạn có thể kết bạn với mình để theo dõi hoặc cần tư vấn lịch trình du lịch sắp tới đẻ có trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé. Facebook mình: fb.com/thodiahue.local và fb.com/nguyenthi.thanhluan

LIKE ĐI BẠN ƠI

  • commentsComments Off on Đúc kết kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, phượt Huế từ Thổ Địa

    Bình luận

  • Zalo

    Send Zalo

  • icon find

    Tìm kiếm