Mách bạn 14 lễ hội lớn đầu năm để cầu bình an, may mắn

Tham gia các lễ hội lớn đầu năm là một truyền thống văn hóa đặc trưng của người Việt từ bao đời nay. Trên khắp mọi miền đất nước, ai nấy đều tìm đến những lễ hội, chùa chiền… để khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên, sông núi, tìm hiểu về văn hóa, con người, cũng như cầu bình an, may mắn cho gia đình trong năm mới.

Trong bài viết dưới đây, Thổ địa du lịch – Viettravelo sẽ giới thiệu đến độc giả những lễ hội lớn đầu năm đặc sắc và thu hút nhất mà bạn không nên bỏ lỡ.

Lễ hội đầu xuân ở miền Bắc

Mỗi năm, cả nước có khoảng 9000 lễ hội lớn nhỏ, đa phần tập trung ở miền Bắc. Trong đó, nổi tiếng, độc đáo hơn cả là các lễ hội:

  • Chùa Hương
  • Hội đền Hùng
  • Hội chùa Bái Đính
  • Chợ Viềng
  • Hội đền Trần
  • Lễ hội Yên Tử
  • Hội bà chúa Kho
  • Hội chọi trâu Hải Lựu

Lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội)

Lễ hội lớn đầu năm phải nhắc đến trước tiên là hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội). Hội chính thức bắt đầu vào ngày 6/1 và kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Vãn cảnh chùa Hương, du khách không chỉ cảm nhận không gian yên bình của núi, sông mà còn để cầu một năm mới an lành.

Để vào chùa, trước hết bạn sẽ ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng trong khoảng 1 giờ. Sau đó, bạn có thể đi cáp treo hoặc đi bộ khoảng 2km để lên động Hương Tích – di tích nổi tiếng nhất trong quần thể chùa Hương.

Lễ hội lớn đầu năm - chùa Hương thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Lễ hội lớn đầu năm – chùa Hương thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Ngoài động Hương Tích, du khách cũng không nên bỏ qua những địa điểm như:

  • Đền Trình
  • Chùa Thiên Trù
  • Động Tiên Sơn
  • Chùa Giải Oan
  • Đền Trần Song
  • Chùa Hinh Bồng

Lễ hội chùa Bái Đính (Gia Viễn, Ninh Bình)

Lễ hội chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á diễn ra từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn đầu năm thu hút nhiều du khách thập phương nhất.

Phần lễ diễn ra các nghi thức:

  • Thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không
  • Lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn
  • Đánh trống, đánh chiêng khai hội

Ngoài những hoạt động mang tính chất văn hóa tâm linh như rước kiệu, viết thư pháp… phần hội chùa Bái Đính còn diễn ra các hoạt động tâm linh tín ngưỡng như:

  • Tổ chức lễ cầu nguyện quốc thái dân an
  • Thả chim phóng sinh
  • Biểu diễn trống hội, hát chèo…

Xem thêm: Đúc kết kinh nghiệm du lịch Ninh Bình tự túc, phượt Ninh Bình từ Thổ Địa

Hội chợ Viềng (Nam Định)

Chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng ngày mùng 8 tháng Giêng ở 4 huyện của tỉnh Nam Định. Đó là:

  • Vụ Bản
  • Nam Trực
  • Nghĩa Hưng
  • Mỹ Lộc

Trong đó, nổi tiếng và thu hút khách nhiều nhất là chợ Viềng Vụ Bản và chợ Viềng Nam Trực. Từ chiều ngày mùng 7, ở hai nơi này, du khách đã nô nức kéo về. Chợ Viềng bán khá nhiều đồ, song phổ biến vẫn là cây cảnh, đồ lưu niệm, dụng cụ làm vườn…

Theo kinh nghiệm truyền tai, du khách có thể dạo chơi khu chợ từ chiều đến tối. Tuy nhiên, để “mua may cầu lành”, chỉ nên mua khi đã rạng sáng ngày mùng 8 (qua 0h).

Cây cảnh là một trong những mặt hàng chính ở chợ Viềng Nam Định. Ảnh Internet
Cây cảnh là một trong những mặt hàng chính ở chợ Viềng Nam Định. Ảnh Internet

Lễ hội đền Trần (Nam Định)

Lễ khai ấn đền Trần được tổ chức tại đền Trần phường Lộc Vương, thành phố Nam Định vào đêm 14 và ngày 15 tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn đầu năm nhằm tri ân công đức 14 vua Trần.

Đa phần du khách tham gia lễ hội đều mong muốn có một tờ ấn để cầu thăng quan tiến chức, thành đạt trong công việc.

Ngoài lễ khai ấn, hội đền Trần diễn ra các hoạt động như đấu vật, múa rồng, chọi gà, ném vòng cổ chai…

Lễ hội bà chúa Kho (Bắc Ninh)

Lễ hội bà chúa Kho (làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, T.P Bắc Ninh) khai hội vào ngày 14 tháng Giêng. Đây là lễ hội lớn đầu năm mà giới kinh doanh, làm ăn buôn bán không thể bỏ qua trong dịp năm mới. Đầu năm đi vay Bà chúa Kho, cuối năm trả nợ trở thành một phong tục lâu đời tại Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh)

Hội Yên Tử diễn ra từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài hết 3 Âm lịch tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí, Quảng Ninh. Lễ hội thu hút rất nhiều người hành hương tìm đến cõi Phật để thể hiện đức tin, cầu tài, cầu lộc và du xuân, vãn cảnh…

Để leo lên núi Yên Tử, bạn có thể đi bằng đường bộ hoặc đi cáp treo. Những địa điểm nổi tiếng không nên bỏ qua là:

  • Chùa Đồng
  • Chùa Hoa Yên
  • Suối Giải Oan
  • Chùa một mái
  • Chùa Giải Oan
Lễ hội chùa Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh Internet
Lễ hội chùa Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh Internet

Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)

Lễ hội Đền Hùng (Giỗ Tổ Hùng Vương) là lễ hội lớn đầu năm thu hút hàng triệu du khách từ mọi miền Tổ quốc. Bởi mỗi người con Việt Nam đều luôn ghi nhớ câu ca dao:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động được tổ chức long trọng như:

  • Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng
  • Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân
  • Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ
  • Rước kiệu về Đền Hùng

Với mục đích tưởng nhớ và biết ơn các vua Hùng – những vị vua đầu tiên của dân tộc, lễ hội đền Hùng ngày nay đã được nâng lên thành Giỗ Quốc Tổ, được tổ chức quy mô vào những năm chẵn.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc)

Lễ hội chọi trâu (xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng Âm lịch. Đây là lễ hội chọi trâu lâu đời nhất Việt Nam.

Nếu như ở nhiều nơi, trâu chọi được nuôi theo hộ gia đình, thôn xã, thì ở Hải Lựu, trâu được nuôi theo dòng họ. Theo đó, trâu chọi chỉ được một gia đình tiêu biểu nhất trong họ nuôi dưỡng. Để được cả họ đồng ý, gia đình đó phải là gia đình văn hóa, không có mâu thuẫn và có kinh tế khá giả.

Người dân thập phương đến Hải Lựu không chỉ để xem trâu chọi mà còn để sống trong không khí sôi động, cuồng nhiệt của một lễ hội lớn đầu năm. Đồng thời, họ hy vọng được thưởng thức và mang về làm quà một chút thịt trâu chọi, mong may mắn và sức khỏe cả năm.

Theo tương truyền, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu diễn ra từ thế kỷ 2 TCN. Ảnh Internet
Theo tương truyền, lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu diễn ra từ thế kỷ 2 TCN. Ảnh Internet

Lễ hội ở miền Trung

Dù không đa dạng và quy mô như ở miền Bắc song các lễ hội đầu xuân ở miền Trung cũng mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời có những nét độc đáo riêng.

Lễ hội Đống Đa (Bình Định)

Lễ hội Đống Đa được tổ tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn các thủ lĩnh trong phong trào Tây Sơn, đặc biệt là anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4 – 5 tháng Giêng.

Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, lễ hội lớn đầu năm ở miền Trung này còn tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian như:

  • Trống trận Tây Sơn
  • Thi đấu võ thuật
  • Các trò chơi dân gian: đua thuyền, hát tuồng…

Lễ hội làng Sình (Phú Vang, Huế)

Diễn ra vào ngày 9 – 10 tháng Giêng, lễ hội làng Sình là hội vật truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế. Không chỉ mang yếu tố tâm linh, đấu vật ở làng Sình còn là một hoạt động thể hiện tinh thần thượng võ, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, đặc biệt với lớp trai trẻ.

Đấu vật ở hội làng Sình. Ảnh Internet
Đấu vật ở hội làng Sình. Ảnh Internet

Lễ hội Vía Bà (An Nhơn, Bình Định)

Hội Vía Bà diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng, tại xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của bà Đỗ Thị Tân – bà đỡ đã giúp nhiều sản phụ trong vùng sinh con dễ dàng, được “mẹ tròn, con vuông”.

Ngoài các nghi lễ như nhi tế lễ, dâng hương, hội Vía Bà cũng có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như múa lân, múa rồng…

Lễ hội lớn ở miền Nam

Ở miền Nam, các lễ hội lớn đầu năm tiêu biểu nhất là:

  • Lễ hội núi Bà Đen
  • Lễ hội bà Chúa Xứ
  • Hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh)

Là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất phía Nam, lễ hội núi Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu) diễn ra từ ngày 10 – 15 tháng Giêng.

Hầu hết du khách đến trẩy hội đều cầu nguyện Thánh Mẫu phù hộ cho gia đạo tốt lành, gặp nhiều may mắn, tai qua nạn khỏi.

Ngoài hành hương lễ Phật, du khách còn được thử thách bản thân trong chặng đường leo núi Bà Đen ở độ cao 968m.

Lễ hội chùa bà Thiên Hậu (Bình Dương)

Hội Chùa Bà Thiên Hậu không chỉ là hoạt động văn hóa của người Hoa mà còn thu hút nhân dân trong và ngoài tỉnh đến chùa cầu bình an, tài lộc. Tâm điểm là Lễ cúng Vía Bà diễn ra vào lúc nửa đêm 14 đến sáng 15 tháng Giêng. Sau đó, Kiệu Bà sẽ được rước đi quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một cùng đội múa lân. Tại nơi Kiệu Bà đi qua, người dân mọi người làm lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.

Rước Kiệu Bà quanh thành phố Thủ Dầu Một tại lễ hội chùa bà Thiên Hậu. Ảnh Internet
Rước Kiệu Bà quanh thành phố Thủ Dầu Một tại lễ hội chùa bà Thiên Hậu. Ảnh Internet

Lễ hội bà Chúa Xứ (An Giang)

Là lễ hội mang đậm bản sắc cư dân vùng sông nước Nam Bộ, lễ hội Bà Chúa Xứ (lễ Vía Bà) được tổ chức từ đêm 23 – 27/4 Âm lịch, tại Miếu Bà Chúa Xứ, phường Núi Sam, huyện Châu Đốc.  Đây là một lễ hội lớn đầu năm ở miền Tây Nam Bộ, là dịp để tỏ lòng thành kính Bà Chúa Xứ – Bà mẹ của xứ sở Châu Đốc.

Chính lễ của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ gồm các lễ:

  • Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống Lăng Miếu
  • Tắm Bà
  • Túc yết và Xây Chầu
  • Chánh tế
  • Hồi sắc

Trong đó, quan trọng nhất là Lễ tắm Bà, diễn ra vào khuya ngày 22/4.

Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc như:

  • Múa lân sư rồng, đua thuyền rồng
  • Biểu diễn văn nghệ của các tỉnh, thành
  • Trình diễn nhạc ngũ âm Khmer cùng với hát Bội truyền thống

Xem thêm: Nên đi du lịch ở đâu vào dịp Tết âm lịch 2018 

About Nhung Hà

LIKE ĐI BẠN ƠI

  • commentsComments Off on Mách bạn 14 lễ hội lớn đầu năm để cầu bình an, may mắn

    Bình luận

  • Zalo

    Send Zalo

  • icon find

    Tìm kiếm