Thổ địa ơi, Địa điểm du lịch Huế hấp dẫn nào không thể bỏ qua vậy?

Chào bạn, mình Luận Luận Thổ Địa Du Lịch Huế. Mình đã gặp các bạn ở những bài trước như homestay đẹp ở Huế hay những món ăn ngon khi đến Huế? Trong bài này mình xin tiếp tục mách nẻo bạn đường khi đến Huế những địa điểm du lịch Huế không thể bỏ qua.

Hẳn trong đầu bạn sẽ nghĩ đến những ngôi chùa, những khu lăng tẩm hay khu đại nội Huế nổi bật như một phần văn hóa và biểu tượng của Huế phải không? Đúng nhưng chưa đủ để khám phá hết Huế đâu. Huế của mình bây chừ cũng hội nhập, cũng hiện đại không kém dù vẫn mang trong mình những nét đậm cổ xưa đấy. Nên chi là hôm nay, mình sẽ tiếp tục chuyên mục “mách nẻo bạn đường”, giúp bạn bỏ túi tất tần tật những địa điểm du lịch Huế, địa chỉ tham quan mới lạ cũng như khám phá tường tận những điểm đến quen thuộc mà khi đến Huế, bạn chớ vội bỏ qua nhé.

Xem thêm

Để giúp bạn dễ dàng đi lại tham quan những địa điểm du lịch Huế mà không phải băn khoăn lựa chọn nên đi đâu trước, di chuyển như thế nào hay khám phá những điểm mới nào, mình sẽ mách cho bạn tất tần tật những điểm du lịch theo từng khu vực giúp bạn tiện di chuyển hay có kế hoạch cụ thể khi đến Huế chơi nhé.

Mục Lục

Tham quan chùa chiền và giáo đường Huế

Đến Huế rồi mà không ghé thăm ít nhất 2 trong số những ngôi chùa dưới đây thì tiếc lắm bạn nhỉ? Chùa Thiên Mụ chắc chắn sẽ là địa điểm du lịch Huế đầu tiên mà bạn sẽ đừng bao giờ bỏ lỡ khi đến Huế rồi phải không?

Tham quan không gian, thắp nhan cầu mong bình an hay thưởng thức một bữa cơm chay thanh tịnh ắt hẳn sẽ làm cho chuyến đi đến Huế của bạn thêm nhiều cảm xúc và dấu ấn.

Hãy cùng theo chân mình đến thăm những ngôi chùa này nhé.

Chùa Thiên Mụ

  • Vị trí: Nằm trên đồi Hà Khê, phường Kim Long, bờ Bắc sông Hương.
  • Chỉ dẫn: Nếu bắt đầu từ bờ nam sông Hương, bạn có thể di chuyển qua cầu Tràng Tiền hoặc cầu Phú Xuân, rẽ trái rồi đi thẳng, chạy dọc theo bờ sông Hương khoảng 5km, rất dễ di chuyển.

Chùa Thiên Mụ nhìn từ phía bên sông. Ảnh/ Chánh Thu

Đây là ngôi chùa mà mình thấy đẹp nhất và thơ mộng nhất ở Huế. Đặc biêt, chùa sở hữu rất ít tượng Phật như nhiều ngôi chùa khác.

Và chùa Thiên Mụ lại là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và công trình kiến trúc đặc sắc của Huế như: tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, Tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, Phật Di Lặc, xe ô tô – di vật của hòa thượng Thích Quảng Đức.


Phía sau khuôn viên chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê.
Ảnh/Nam Phúc Trương

Chùa Thiên Mụ được xếp là một trong 20 điểm đẹp nhất ở Huế. Vì vậy, thật thiếu sót nếu như bạn không tham quan chùa Thiên Mụ khi du lịch đến Huế.

Chùa Huyền Không Sơn Thượng

  • Vị trí: ở núi Chằm, thôn Chầm , xã Hương Hồ. Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố khoảng 17km.
  • Chỉ dẫn: Bạn đi dọc bờ sông Hương qua chùa Thiên Mụ, qua Văn Thánh, Võ Thánh. Qua cầu Xước Dũ rồi đi hơn 1 km nữa sẽ gặp thôn Đồng Chầm. Đi thêm tiếp chừng 500 mét sẽ thấy chiếc cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm. Qua cổng này chừng 200 mét, bên phải có một tấm biển chỉ đường, theo lộ trình này, gần 3km nữa là đến núi Triều Sơn Phương tức Huyền Không Sơn Thượng.


Một góc yên tĩnh Huyền Không Sơn Thượng. Ảnh T.L

Nếu nói là chùa thì chưa đủ mà bảo là khu vườn thì vẫn chưa đúng. Một không gian rất hữu tình, thanh tịnh, an yên là điều mà mình luôn cảm nhận khi mỗi lần đặt chân đến vườn chùa Huyền Không Sơn Thượng.

Một phong cảnh hiền hòa, là chùa mà không hẳn là chùa, là vườn mà không hẳn là vườn. Nếu có dịp du lịch đến Huế, đừng quên đến tận hưởng không khí của Huyền Không Sơn Thượng bạn nhé.

Chùa Bảo Quốc

  • Vị trí: 28/17 Bảo Quốc, Phường Đúc, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Nằm ngay trên đường Báo Quốc, nhưng để vào chùa, bạn phải cần bước qua vài chục bậc cấp mới có thể bước vào khuôn viên chùa. Đây là một trong số những ngôi chùa Huế có kiến trúc cổ kính và rộng khoảng 2 ha.


Cổng vào chùa Bảo Quốc Huế. Ảnh Festival Huế

Khi nhắc đến chùa Báo Quốc, người ta không chỉ nhắc đến tên của một ngôi chùa mà đây còn là địa điểm trung tâm tu học quan trọng của Huế và là địa điểm tham quan du lich nổi bật tại đây.

Chùa Từ Đàm

Là một trong những ngôi chùa có tiếng của Phật giáo Huế cũng như là điểm tham quan chùa chiền Huế, chùa Từ Đàm được xem là điểm đến để khám phá thêm về các hoạt động văn hóa tôn giáo.


Một góc chùa Từ Đàm với một hoạt động Phật giáo được diễn ra. 
Ảnh: WDL

  • Vị trí: Tọa lạc trên đồi Hoàng Long gần dốc Nam Giao, mặt quay về hướng Tây Nam, số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, Thành phố Huế.
  • Di chuyển: Chùa cách kinh thành Huế về phía Tây Nam khoảng chừng 2 km, liên thông với đường Điện Biên Phủ về phía bên phải và phía bên trái tiếp giáp đường Phan Bội Châu đi về thành phố.

Chùa Thiền Lâm

  • Vị trí: Nằm trên đồi Quảng Tế, phường Thủy Xuân, thành phố Huế

Là một trong những ngôi chùa với lối kiến trúc, hoa văn chùa Thiền Lâm mang đặc trưng của phật giáo hệ phái Nam Tông nên được coi là ngôi chùa “Ấn Độ” trên đất Huế. Chùa có không gian yên tĩnh, bình an là một trong những điểm đến khiến mình cảm thấy tĩnh tâm nhất mỗi lần đến đây.


Tượng phật nằm chùa Thiền Lâm

Và điều đặc biệt ở chùa Thiền Lâm khác so với các ngôi chùa khác ở Huế là tượng Phật đứng – Phật nằm, tượng sắp mô tả ngài hòa thượng Hộ Nhẫn thoạt nhìn giống như người thật và kiến trúc khác lạ so với các ngôi chùa còn lại.

Giáo đường Thiên chúa Giáo Nguyễn Huệ

Một trong 2 giáo đường lơn nhất Huế, cung trình giáo đường Thiên Chúa Giáo nằm trên đường Nguyễn Huệ là một trong những địa điểm nhất định bạn nên ghé thăm dù chỉ là một vài phút.


Dòng chúa cứu thế Nguyễn Huệ. Ảnh Phạm Đức Anh

Tháp chuông nhà thờ cách mặt đất 30m, là nơi treo 4 quả chuông lớn. Tọa lạc giữa lòng thành phố, ngôi thánh đường ở vào một vị trí rất trang trọng và gần gũi với cuộc sống của giáo dân trong vùng.

Mẹo tham quan: Hãy đến tham quan Dòng chua cứu thế hay Giáo đường Thiên chúa giáo Nguyễn Huệ vào mùa Giáng sinh (chắc chắn rồi) hoặc nếu đi vào ngày thường nên đi vào buổi chiều hoặc chủ nhật để chiêm ngưỡng kiến trúc cũng các hoạt động tại đây nhé.

Nhà thờ Phú Cam

Nếu không có dịp đi ngang Dòng chúa cứu thế hoặc muốn khám phá cả 2 giáo đường, thì hãy đến tham quan chùa Phú Cam.

Bản đồ nhà thờ Phú Cam

Mặc dù không theo thiên chua giáo, nhưng đối với mình, đây là nhà thờ rất rất đẹp. ặc dù mang kết cấu xây dựng theo kỹ thuật hiện đại, kiến trúc nhà thờ Phủ Cam vẫn mang những ảnh hưởng và đường nét của một ngôi nhà thờ phương Tây.

  • Vị trí: tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế.

Tham quan đại nội Huế

Mình phải dành hẳn một mục lớn như thế này để giới thiệu đến các bạn một trong những biểu tượng của Huế – Đại Nội.


Là địa điểm check in của khá nhiều tấm ảnh kỷ yếu……cho đến những bức hình lung linh. (Ảnh Minh Thúy)

Đối với mình, sinh ra ở Huế – nơi mà chế độ phong kiến cuối cùng của Việt Nam đóng đô, là một điều vừa tự hào mà cũng vừa có chút gì đó … rất khó tả. Đại Nội Huế – cũng là nơi sinh sống của những vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến càng làm cho Huế dày thêm bề dày văn hóa và lịch sử. Vì vậy, nơi đây không chỉ được xem là biểu tượng của Huế, mà còn là biểu tượng của văn hóa.

Đến Huế, mình nên khuyên bạn hãy dành hẳn trọn một ngày hoặc ít nhất nửa  để tham quan Đại Nội nhé.

Tại sao phải là 1 ngày? Vì Đại Nội rất rộng, và với những người muốn khám phá văn hóa thì đây là khoảng thời gian để giúp bạn vừa đủ đi bộ vừa nghe hướng dẫn. 😀

Mình nói đùa thôi. Để mình giúp bạn nên khám phá điều gì ở Đại Nội nhé.

  • Vị trí: Đại Nội Huế nằm trong khu vực phường Thuận Thành, vị trí trung tâm của thành phố.

Bản đồ khu vực Đại Nội Huế, nằm rất gần Sông Hương, vị trí rất dễ tìm kiếm và di chuyển

Vậy, đến Đại Nội Huế thì tham quan những địa điểm nào?

  • Cổng Ngọ Môn, công trình kiến trúc có nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo vệ cung đình, được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (1883). Trên đài có điện Càn Nguyên, hai bên có hai của là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Trước đây cổng chỉ giành riêng cho vua chúa theo quan niệm Dịch học. Bây giờ thì bạn sẽ được thỏa thích ngắm nhìn và chụp ảnh với biểu tượng của Huế.

Một số hoạt động của triều đình nhà Nguyễn được tái hiện lại tại Đại Nội Huế. Ảnh Nguyễn Phong

  • Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi được dùng để tổ chức các buổi chiều nghi, sinh nhật Vua, đón tiếp xứ Thần… Nếu tham quan vào dịp quốc khánh 2/9 hay Festival Huế, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hoạt động nghệ thuật tại đây.
  • Thế Tổ Miếu là nơi thờ tự các vị vua triều Nguyễn đã quá cố, kể cả thân thích hoàng tộc như Hoàng Hậu, tọa lạc tại góc tây nam Đại Nội. Nếu bạn muốn tìm hiểu về sự nghiệp và cuộc đời của các vị vua triều Nguyễn một cách rõ nhất và sâu sắc nhất, thì nên tham quan Thế Tổ Miếu.
  • Một trong những điểm không thể không check – in khi tham quan Đại Nội là Cửu đỉnh – 9 cái lư hương được đặt trước Hiền Lâm Các đối diện Thế Miếu.

Đừng quên trải nghiệm Đại Nội về đêm nhé. 

Gần một năm trở lại đây, trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã bắt đầu mở cửa tham quan Đại Nội về đêm. Điều này thật càng tuyệt vời hơn bởi nếu bạn có cơ hội tham quan vào khung giờ từ 19:00 đến 22:00, mình chắc chắn bạn sẽ còn trải nghiệm được một số hoạt động của thời vua chúa như:

  • Trải nghiệm các nghi thức cung đình xưa như: Lễ Đổi Gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc, …
  • Trải nghiệm các hoạt động diễn xướng như: Cấm vệ quân luyện võ, trò chơi cung đình, âm sắc hoàng cung.
  • Trải nghiệm văn hóa qua hoạt động trưng bày 5 di sản thế giới ở Huế, làng nghề truyền thống Huế…

Với hàng trăm kiểu check in như thế này tại Đại Nội về đêm, tại sao không nhỉ? Ảnh: Mặc Sênh

Tất cả những trải nghiệm như vậy đã đủ làm bạn tò mò chưa? Đến ngay Đại Nội để tham quan nhé.

Tham quan lăng tẩm các vua nhà Nguyễn

Bên cạnh chùa chiền ở Huế, các khu lăng tẩm vua nhà Nguyễn với lối kiến trúc độc đáo, đồ sộ cũng sẽ là những điểm dừng chân tham quan nhất định bạn phải một lần ghé thăm.

Trong số 13 vị vua nhà Nguyễn, có 7 khu lăng tẩm của 7 vua là nổi bật hơn cả. Vì vậy mình sẽ giới thiệu đến bạn nhé.

Ngoài ra, sẽ có thêm 2 địa điểm du lịch mình sắp xếp vào trong nhóm này là Điện Voi Ré và Điện Hòn Chén cũng là một trong những điểm du lịch nhất định không thể bỏ qua nếu tham quan các khu lăng tẩm ở Huế.

Bây giờ thì cùng mình khám phá thôi.

Lăng Vua Khải Định (Ứng lăng)

Hiếm có ông vua nào vừa bước lên ngai vàng thì bắt đầu xây dựng lăng mộ, dinh thự, cung điện như vua Khải Định. Cũng chính vì vậy mà lăng Khải Định cũng là lăng có thời gian xây dựng lâu và là một công trình có giá trị về mặt kiến trúc và nghệ thuật, nó làm phong phú thêm quần thể lăng tẩm ở Huế.

Lăng Khải Định. Ảnh Võ Kim Mai

  • Vị trí: Lăng Khải Định thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách Tp. Huế 10km.
  • Đặc điểm: Lăng Khải Định có diện tích nhỏ hơn so với lăng của các vua tiền nhiệm nhưng công phu, lộng lẫy hơn; kết hợp tinh xảo hai nền kiến trúc, văn hoá Đông – Tây.

Lăng Vua Gia Long (Thiên Thọ lăng)

  • Vị trí: Lăng Gia Long nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách trung tâm Tp. Huế 16km.
  • Đặc điểm: Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng.

Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt vời giữa thiên nhiên và kiến trúc đã tạo nên nét hùng vĩ hoành tráng của cảnh quan.

Lăng Gia Long. Ảnh Lê Công Quý

Trải nghiệm tham quan lăng Gia Long: bạn có thể di chuyển bằng thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số nữa sẽ đến được lăng.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.

Lăng Vua Minh Mạng (Hiếu lăng)

  • Vị trí: Lăng Minh Mạng thuộc địa phận núi Cẩm Kê, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp lưu nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch tạo thành sông Hương chảy qua Tp. Huế. Lăng cách Tp. Huế 12km.
  • Đặc điểm: Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ. Lăng Minh Mạng toát lên vẻ đường bệ, uy nghiêm nhưng rất hài hòa giữa các công trình kiến trúc và thiên nhiên.

Khuôn viên lăng có nét khá tương đồng với Đại Nội Huế

Vua Minh Mạng là vị vua mà khi băng hà trong thời gian lăng vẫn chưa hoàn thành, khác các vị vua còn lại. Vua Thiệu Trị lên ngôi, một tháng sau đã ra lệnh cho binh lính tiếp tục xây dựng theo đúng họa đồ của vua cha.

Sự uy nghiêm, nét tĩnh tại của kiến trúc và khung cảnh gợi tình của thiên nhiên, hoa cỏ thể hiện tính cách nghiêm khắc, tri thức uyên bác và tâm hồn lãng mạn của nhà vua.

Lăng Vua Thiệu Trị (Xương lăng)

  • Vị trí: Lăng Thiệu Trị nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên – Huế, cách kinh thành Huế chừng 8km.
  • Đặc điểm: Đây là lăng duy nhất quay mặt về hướng tây bắc, một hướng ít được dùng trong kiến trúc cung điện và lăng tẩm thời Nguyễn và là khu lăng không có thành la bao bọc.

Khung cảnh lăng Thiệu Trị Huế. 

Đây là khu lăng được xây dựng và hoàn thành nhanh chóng nhất. Nhưng không vì vậy mà tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị mất đi nét đẹp độc đáo. Tổng thể lăng có sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và lăng Minh Mạng trong khung cảnh thanh bình của đồng quê.

Lăng Vua Dục Đức (An lăng)

  • Vị trí: An Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất làng An Cựu huyện Hương Thủy ngày nay thuộc phường An Cựu, TP Huế.
  • Đặc điểm: là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và vua Duy Tân.

Một góc lăng vua Dục Đức

So với lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Ðức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn. Ðiện Long Ân ở trung tâm khu vực tẩm là một công trình được xây cất theo khuôn mẫu của các ngôi điện có ở Huế. Bên trong hiện có ba án thờ bài vị của các vua Dục Ðức và vợ, Thành thái và Duy Tân.

Lăng Vua Đồng Khánh (Tư lăng)

  • Vị trí: lăng tọa lạc giữa 1 vùng quê tĩnh mịch thuộc làng Cư Sĩ tổng Dương Xuân ngày trước nay là thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân thành phố Huế.
  • Đặc điểm: lăng vua Đồng Khánh có một điều đặc biệt khá thú vị đó chính là chung quanh ông là vô số lăng mộ của bà con quyến thuộc như: lăng Tự Đức – bác ruột và là cha nuôi của vua Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương – thân phụ, lăng bà Từ Cung – con dâu vợ vua Khải Định; lăng bà Thánh Cung – vợ; xa hơn là lăng Tá Thiên Nhân – hoàng hậu vợ vua Minh Mạng hay bà cố nội, lăng Thiệu Trị – ông nội vua Đồng Khánh

”Một nhà sinh đặng ba vua/ vua còn, vua mất, vua thua chạy dài“. Vua Đồng Khánh chính là một trong 3 vị vua trong câu ca dao trên cùng với vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi.

Lăng Vua Tự Đức (Khiêm lăng)

  • Vị trí: Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế.

Lăng Tự Đức nhìn từ trên cao. Ảnh M.C

Nhìn từ trên cao xuống, lăng vua Tự Đức như bức tranh phong cảnh bao quanh bởi cây cối xanh tươi. Lăng Tự Ðức là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Vua Tự Đức chọn cho mình một mảnh đất thơ mộng làm nơi yên nghỉ giấc ngàn thu.

Trải nghiệm du lịch: Đến tham quan lăng Tự Đức, đừng quên khám phá hết toàn bộ khu lăng, đặc biệt là các cung trình kiến trúc trong khuôn viên lăng trong đó có nhà hát Khiêm Minh Đường.

Không đơn thuần là nơi diễn xướng, Minh Khiêm Đường còn được vua Tự Đức gửi gắm những bay bổng trong tâm hồn qua họa tiết trang trí với các vì tinh tú

Điện Hòn Chén

  • Vị trí: Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, thuộc làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế.


Ngôi điện tâm linh duy nhất ở Huế – Điện Hòn Chén

Điện Hòn Chén là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả.

Điện Hòn Chén không chỉ là một di tích lịch sử và tôn giáo mà còn là một thắng cảnh, một điểm tham quan văn hóa độc đáo thu hút hàng ngàn khách tham quan, nhất là vào dịp lễ hội tháng 3 và tháng 7 Âm lịch hàng năm.

Điện Voi Ré

Điện Voi Ré, hay còn gọi là Miếu Long Châu. Điện Voi Ré vừa là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, vừa là một di tích độc đáo thuộc quần thể di tích cố đô Huế.

  • Vị trí: Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5 km về phía Tây-Nam, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều


Lối vào điện Voi Ré

Đối với người dân địa phương, Điện Voi Ré không những là công trình có kiến trúc độc đáo có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn mang đậm ý nghĩa giáo dục, và trên hết là đề cao tinh thần trọng tình trọng nghĩa của dân tộc Việt Nam hào hùng khí phách, có thủy có chung. Nếu có dịp đến đây thì đừng quên dừng chân tham quan bạn nhé.

Tất tần tật những điểm tham quan khu vực thành phố Huế

Mình nghĩ những địa điểm du lịch Huế nằm trong khu vực nội thành thành phố sẽ làm bạn cảm thấy thích thú, bởi nó nằm ngay trung tâm, gần các homestay ở Huế và gần luôn cả những quán ăn vặt Huế, lại vừa dễ dàng đi lai hay di chuyển mà không cần mất quá nhiều thời gian.

Đặc biệt hơn, những địa điểm du lịch này sẽ còn là nơi để bạn check in, khám phá thêm về thành phố Huế nhỏ bé này nữa đấy nhé.

Let’s go thôi.

Sông Hương  – Núi Ngự Bình – Cầu Tràng Tiền

Là 3 biểu tượng gắn liền với mảnh đất cố đô, gắn liền với Huế, xuất hiện trong câu ca dao mà còn gắn liền trong những câu chuyện trong đời sống hằng ngày của ngươi dân Huế và cả du khách Huế.

Bắc ngang sông Hương thơ mộng không chỉ có cầu Tràng Tiền mà còn có cầu Phú Xuân và cầu Bạch Hổ. Ấy thế mà hình ảnh cầu Tràng Tiền dường như gắn liền với con sông Hương thơ mộng, chảy xuôi theo núi Ngự Bình tạo nên hình ảnh đậm chất thơ ca.

Là địa điểm được check – in nhiều nhất ở Huế. Ảnh Ngô Điình Sinh

Trải nghiệm du lịch: Một số hoạt động mà bạn có thể trải nghiệm tại địa điểm du lịch này như:

  • Tham quan cầu Tràng Tiền, đi bộ check in cùng với hàng phượng Vĩ.
  • Tìm hiểu lịch sử cây cầu.
  • Tham quan phố đi bộ dưới chân cầu về đêm
  • Thưởng thức ẩm thực Huế
  • Du thuyền doc sông Hương, nghe ca Huế
  • Thả đèn hoa đăng trên sông Hương

Hồ Tịnh Tâm

Là hồ sen lớn nhất ở Huế, nằm ngay giữa lòng thành phố phía trong hoàng thành. Tịnh Tâm trước đây là ngự viên của các vua nhà Nguyễn, nay trở thành một điểm du lịch mà khi đến Huế, bạn nên ghé đến một lần nhé.

Hồ sen lớn nhất nhì thành phố Huế – sen, sen và chỉ có sen

Hồ Tịnh Tâm không phải một mà là hai hồ nước hình chữ nhật, cái nhỏ kề cái to. Từ trên cao nhìn xuống giống như một bức tranh.

  • Vị trí: Hồ Tịnh Tâm nằm ở đông bắc Hoàng Thành, bên con đường Đinh Tiên Hoàng từ Thượng Tứ vào Mang Cá.

Trải nghiệm du lịch: Bạn có thể tham quan một hồ sen rộng mênh mông, kề đó là trường Đại học Nghệ Thuật Huế, ăn chè sen hoặc xem người dân chế biến hạt sen.

Trường Quốc Học

  • Vị trí: Trường nằm ở số 12 Lê Lợi, Vĩnh Ninh, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế. Ngay trên đường Lê Lợi, đối diện bia Quốc Học, bên bờ sông Hương.

Ngôi trường hồng cố khuôn viên rộng, xanh mát cho bạn chụp hơn 80 ngàn kiểu ảnh khác nhau 😀

Ngôi trường hồng nổi tiếng hơn 100 năm này sẽ cho bạn có cơ hội check in hơn 100 kiểu ảnh ở các góc khác nhau trong khuôn viên xinh đẹp của ngồi trường này. Nếu đến tham quan vào ngày học thì bạn chỉ có thể dạo quanh, đi bộ và khám phá lịch sử mà thôi. Bỏ túi ngay địa chỉ này nhé.

Bảo Tàng Hồ Chí Minh

Cũng nằm trên con đường Lê Lợi, ở tại số 7, bạn đừng quên ghé đến bảo tàng Hồ Chí Minh nhé.

Nơi đây trưng bày nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời họat động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt là thời niên thiếu của Người ở Huế.

Khu Phố Tây

Đi ngược lại phía đường Lê Lợi, một không gian sôi động, hiện đại hiện lên giữa thành phố nhỏ – đó chính là khu phố Tây bao gồm khu vực các đường Võ Thị Sáu – Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão.

Mặc dù mình vẫn thích Huế trầm mặc, ấy thế mà có khu phố Tây này bỗng dưng làm nên một Huế với một góc nhìn, góc cảm nhận thật khác.


Đông vui náo nhiệt phố Tây Huế về đêm

Bạn có thể tìm thấy tất tần tật từ các homestay bình dân đến các khách sạn giá rẻ hay sang chảnh ddeens các nhà hàng Âu – Á với nhiều không gian khác nhau. Chắc chắn sẽ là một Huế rất khác mà bạn không thể không ghé sang khám phá.

Thông tin tham quan: Ba tuyến đường trên sẽ hoạt động từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau (vào các ngày thứ Sáu, thứ Bảy) và từ 18 giờ đến 24 giờ (tối Chủ nhật) hằng tuần.

Nhà lưu niệm bác Hồ

Vị trí: Nằm ở số 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, phường Thuận Thành, TP Huế.

Nhà lưu niệm bác Hồ chính là nơi lưu giữ những kỷ niệm và kỷ vật thưở thiếu thời của Hồ Chủ tịch. Ngôi nhà gỗ rộng ba gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà – sân – vườn hoàn chỉnh.

Tượng Đài Phan Bội Châu

Nằm trong khuôn viên công viên số 19 Lê Lợi, ngay dưới chân cầu Tràng Tiền, đối diện với khách sạn Morin, bạn sẽ nhìn thấy một khu vực trang trọng, nơi đặt bức tượng của nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Tượng đài Phann Bội Châu. ảnh Kiến Thức

Bức tượng nằm ở vị trí được xem làm đẹp bậc nhất xứ Huế. Bạn thể kết hợp tham quan tượng với các địa điểm lân cận như cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, chùa Thiên Mụ, Đại Nội…

Chợ Đông Ba – Cầu Gia Hội

Nức tiếng xứ Huế một thời là hình ảnh chợ Đông Ba và Cầu Gia Hội. Khó có thể nói hết tại sao hình ảnh chợ Đông Ba không chỉ xuất hiện qua thơ ca xứ Huế mà còn qua những câu chuyện dân giã thường ngày. Đó cũng chính là điều thu hút những vị khách phương xa đến Huế.

Đến chợ Đông Ba, đừng quên chuẩn bị đôi dép vì có thể bạn sẽ dễ mỏi chân vì chợ rất rộng. Cũng đừng quên ngồi lê la ở một hàng quán nào đó bất kỳ đẻ thưởng thức một món ăn Huế ngon và cũng quên trả giá những món hàng nếu bạn đã nhỡ yêu thích và hỏi mua món đồ đó về làm kỷ niệm nhé. 🙂


Chợ Đông Ba- nơi hội tụ những gì Huế có.

Chợ An Cựu

Khác với chợ Đông Ba, chợ An Cựu có vẻ hiền lành hơn với, ít sối động hơn. Nằm ngay chân cầu An Cựu, khu chợ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương nức tiếng một thờ vẫn còn i nguyên những câu chuyện để kể.

Chợ An Cựu cũng nằm gần chè Chùa, vì vậy, sao bạn không thử  thưởng thức một ly chè trước khi đi kham phá những nơi khác?

Cồn Hến

Là một trong những địa điểm nổi tiếng với món bún hến, cơm hến, cồn Hến dĩ nhiên trở thành điểm đến cho nhiều du khách ghé tham quan. Cồn là một ngôi làng nằm độc lập giữa lòng sông Hương đoạn chảy qua thành phố Huế, là một chốn vùng quê yên bình ngay giữa lòng thành phố.

Cồn Hến – hòn đảo xanh của Huế

  • Đi dọc đường Nguyễn Sinh Cung từ phía Đập Đá, bạn sẽ gặp 1 lói vào Cồ Hến duy nhất qua cây cầu Phú Lưu, hay gọi là cầu Cồn. Đi qua cầu, chỉ có con đường duy nhất mang tên đường Ưng Bình, cuối đường Ưng Bình có một bến đò đi về giữa Cồn Hến và khu phố cổ Chi Lăng ở bờ bắc sông Hương, phía Kinh Thành.

Nhà vườn An Hiên

Một trong những kiểu kiến trúc nhà vườn Huế, một trong những điểm đến xanh – yên tĩnh, nhà vườn An Hiên vẫn giữ cho mình những nét đẹp riêng, vừa mang nét tinh hoa quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, An Hiên vẫn gần như còn nguyên vẹn cả về cảnh quan và kiến ​​trúc và  được xem là khu nhà vườn đẹp nhất đến nay ở cố đô Huế.

Cổng dẫn vào nhà vườn An Hiên, hai bên lôi đi rợp bóng cây ăn quả

Hướng dẫn đi lại: Tọa lạc tại vị trí đắc địa tại58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế. Từ phia bờ nam sông Hương, đi qua cầu Bạch Hổ rẻ trái chạy thẳng đường Nguyễn Phúc Nguyên, nhà vườn An Hiên nằm quay mặt về phía dòng sông Hương thơ mộng.

Đồi Vọng Cảnh

Nếu đến đây, và đứng trên Ðồi Vọng Cảnh có thể nhìn thấy được  phong cảnh nên thơ của thành phố Huế, những khu vườn cây ăn quả mướt xanh của cau, nhãn, cam, quýt, thanh trà… chen lẫn bóng thông, những mái nhà ngói xám của đền chùa, lăng tẩm cổ kính, trầm mặc…

Một góc nhìn bao la từ đồi Vọng Cảnh

  • Vị trí: Nằm  đối diện núi Ngự Bình, cách thành phố khoảng 7km, tuy không đẹp như núi Ngự Bình nhưng lại có những góc nhìn khá đẹp đúng như tên gọi “Vọng Cảnh”.

Đồi Thiên An

Hướng dẫn di chuyển: Chạy dọc theo tuyến đường Điện Biên Phủ, sau đó rẽ trái sang đường Minh Mạng, hoặc từ trung tâm Tp. Huế, du khách đi theo đường Hoài Thương qua đường Lê Ngô Cát. Chạy thẳng đường này du khách sẽ tới được đường Minh Mạng. Chạy thêm 2km du khách sẽ gặp đường Khải Định. Chạy thẳng đường Khải Định du khách sẽ tới được đồi Thiên An.


Đường lên Đan Viện Thiên An trên đồi Thiên An

Được mệnh danh là “Đà Lạt trên đất Huế”, đến đồi Thiên An, ngoài tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên còn có dịp hành hương thăm viếng Đan viện.

Đường lên đồi phủ đầy bóng mát bởi những hàng thông xanh rì tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Đứng trên đồi Thiên An, du khách phóng tầm mắt thu vào những cảnh đẹp tuyệt vời của thành phố Huế mộng mơ.

Tịnh Cư Cát Tường Quân

  • Vị trí: Cư Chánh 1, Thủy Bằng, Hương Thủy. Nằm ngay ở vị trí ở đồi Thiên An, giữa rừng thông yên tĩnh và xanh mướt.

Là không gian xanh, không gian du lịch sinh thái và tâm linh có thể nói là đầu tiên tại Huế, Tịnh Cư Cát Tường Quân.

Có thể nói, đặt chân đến Cát Tường Quân, một cảm giác yên tĩnh, an nhiên là điều mà bạn sẽ cảm nhận được. Mặc dù là tịnh quán được xây dựng nhằm phục vụ đối tượng khách thượng lưu. Thế nhưng bạn vẫn có thể đến tham quan tịnh cư nếu muốn trải nghiệm hoạt động du lịch thiền và yoga.

Đền Huyền Trân Công Chúa

  • Vị trí: 151 Thiên Thai, An Tây, Thành phố Huế, Huế

Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, Tp Huế. Đền thờ mang trong mình chút phiêu bồng với cảnh sắc đậm chất thiền, nhưng cũng đậm sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.

Những địa điểm du lịch Huế nằm ở vùng ngoại ô thành phố nhất định bạn phải đến

Đến đây bạn đã hết ngạc nhiên chưa. Mới chỉ nửa chặng đường mà đã biết bao địa điểm tham quan thế kia rồi. Bây giờ mình sẽ mách tiếp cho các bạn những điểm du lịch Huế nằm ngoài thành phố nhé. Hãy sẵn sàng máy ảnh bởi tính chất của những địa điểm này mang tính “sống ảo” cao lắm nhé. 🙂

Đi thôi.

Khám phá biển Huế

Biển Thuận An – Lăng Cô – Hải Dương – Cảnh Dương

Nói đến biển ở Huế, chắc chắn không ai sẽ không nhớ đến 2 cái tên nổi tiếng Thuận An hay Lăng Cô. Một nằm ở sát Đà Nẵng và một nằm gần Thành phố chưa đầy 15 đi taxi.

Biển Thuận An nằm ở cửa Thuận An, chính là nơi sông Hương xuôi dòng hướng phá Tam Giang rồi đổ ra biển Đông.


Một góc nhìn khác của Lăng Cô Huế – ảnh Cường Bách Khoa

Trong khi đó Lăng Cô lại là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới năm 2009 là nơi làm quyến luyến biết bao du khách từ bắc vào nam ngay dưới chân đèo Hải Vân.

Biển Hải Dương với những bãi đá hoang sơ 

Một trong 2 cái tên có thể nói là quen thuộc giới trẻ Huế chính là biển Hải Dương và Cảnh Dương. Nếu không phải là dân địa phương thì bạn sẽ có thể dễ dàng lẫn lộn với 2 tên địa điểm này.

Biển Hải Dương nổi tiếng với những địa điểm check in khiến giới trẻ mê hồn với những bãi đá hoang sơ. Điều bí mật bạn có thể chưa biết chính là lượt check in ở Hải Dương còn nhiều hơn cả biển Thuận An đấy nhé.

Có nhiều hoạt động mới ra đời và xuất hiện, Cảnh Dương với bãi cát khá rộng và dài lại là địa điểm của giới trẻ đến đây cắm trại hay dã ngoại có thể nói là nhiều nhất so với các bãi biển còn lại.

Khám phá hệ thống đầm phá Huế

Đầm Chuồn

Đầm Chuồn là một phần trong hệ thống đầm phá Tam Giang, tuy hơi xa trung tâm thành phố nhưng khu nhà hàng nổi giữa đầm Chuồn là một điểm đến thú vị dành cho những ai thích đổi gió ngày cuối tuần.


Chiều bình yên trên đầm Chuồn

Đầm Chuồn có những nét đẹp kỳ thú, các nhà hàng ở Đầm Chuồn nơi đều rất rộng lớn và có ghe đưa đón khách từ bến đò riêng đến nơi ăn uống. Nếu thích chụp ảnh, bạn sẽ có những bức ảnh mê đắm, nếu thích ăn hải sản, bạn sẽ được một bữa đã đời. Còn nếu thích thử cảm giác sống như người bản địa, thì bạn cũng sẽ được toại nguyện.

Đường đến Đầm Chuồn

  • Hướng dẫn di chuyển: Đầm Chuồn cách thành phố trung tâm Huế khoảng 10 km về phía Nam thuộc huyện Phú Vang. Do vậy, đường đi du lịch đến Đầm Chuồn rất dễ dàng, chỉ cần theo quốc lộ 49 hướng về An Truyền, qua cầu Tư Hiền sẽ đến nơi.

Rú Chá

  • Vị trí: Rú Chá (nằm ở làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế). Rú Chá cách trung tâm TP.Huế chừng 15 km. Bạn theo đường quốc lộ 49 rẽ trái qua đập Thảo Long là đến Rú Chá.

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang. Khu rừng đặc biệt này có tên là Rú Chá bởi cây chá chiếm hơn 90% cây chá mọc tự nhiên. Có nhiều cây tuổi thọ hàng chục năm, có trái như quả tiêu và không ăn được. Đứng ở trên đường lộ hướng về xã Hương Phong, bạn sẽ thấy Rú Chá hiện lên với những cụm cây bên phá như che chắn sự xâm nhập của nước mặn.

Trong rú chỉ có duy nhất ông Nguyễn Ngọc Đáp (71 tuổi) sống cùng vợ. Ông Đáp sống ở đây đã trên 30 năm và được người dân gọi là người giữ rú.

Đầm Lập An

  • Vị trí: Trên trục đường Quốc lộ 1A đi từ Đà Nẵng đến Huế, đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Đầm nước lợ này còn có tên gọi khác là An Cư. Dạo chơi trên đầm Lập An khi nước thủy triều rút đi, bạn sẽ ngỡ ngàng trước bãi đầm đầy vỏ ốc, tựa như một bức tranh giáp xác thú vị. Hãy mang về nhà món quà của biển cả là những vò ốc, vỏ sò với những hoa văn tự nhiên đẹp đẽ.
Đầm Lập An nằm ở thị trấn Lăng Cô nên có thể kết hợp với du lịch biển Lăng Cô. Do bao quanh là núi Bạch Mã nên du khách thích leo núi có thể kết hợp tuyến Lăng Cô – Lập An – Bạch Mã.

Phá Tam Giang

  • Vị trí: Phá Tam Giang thuộc địa phận 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế

Đây là một vùng đầm phá có tính đa dạng sinh học cao với thành phần nguồn gen phong phú về cả động thực vật trên cạn và dưới nước. Tới phá Tam Giang, bạn sẽ được trải nghiệm và tìm hiểu cuộc sống của con người nơi đây.

  • Hướng dẫn tham quan: Thời điểm đẹp nhất ngắm bình minh trên phá là từ 5h30 đến 7h. Từ 16h00 đến 17h30 là thời điểm ngắm hoàng hôn lý tưởng nhất. Tới phá Tam Giang, bạn còn tha hồ được thưởng thức những món hải sản tươi ngon.

Hồ Truồi – Thiền Viện Trúc Lâm

Là thiền viện đầu tiên ở miền Trung, Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên đỉnh Bạch Mã, quanh năm mây phủ trắng xóa, mờ ảo tựa chốn bồng lai.

Xung quanh tiền viện là hồ Truồi trong xanh, phẳng lặng. Từ thiền viện, du khách có cái nhìn bao quát hồ Truồi. Đến xứ Truồi, đừng quên thưởng thức đặc sản Thanh Trà, mít thơm, và đặc biệt là cá suối tươi ngon vừa câu lên từ những con suối quanh năm trong vắt.

  • Vị trí: tọa lạc tại núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Núi Bạch Mã – Vườn Quốc Gia Bạch Mã

Bạch Mã là vườn quốc gia thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế với sự đa dạng sinh học của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tham quan vườn quốc gia Bạch Mã, bạn có thể hòa mình vào thiên nhiên hoang dã với những dòng suối hay hồ nước mát lạnh liên tiếp nhau ở Ngũ Hồ. Sau đó bạn sẽ có cơ hội chinh phục đỉnh cao Vọng Hải Đài và leo thác Đỗ Quyên hùng vỹ với độ cao trên 300 mét. Nếu là một người yêu thích khám phá những cung đường, thử thách mới và chinh phục thiên nhiên, thì đây sẽ hành trình lý tưởng dành cho bạn.

  • Hướng dẫn đi lại: Cách thành phố Huế 30km, theo đường quốc lộ 1 xuôi về phía Nam. Đến cầu Truồi (huyện Phú Lộc), rẽ phải thêm 10km, sừng sững trước mắt là đỉnh Bạch Mã quanh năm chìm trong mây trắng, mênh mang dưới chân Bạch Mã là hồ Truồi xanh biết chạy dài hết tầm mắt.

Các suối Huế nhất định Phải đến

Huế là địa điểm có tất tần tần các điểm vui chơi, trong đó có những con suối trở thành điểm đến lý tưởng vào mùa du lịch hè. Chính vì vậy, mình sẽ kể tất tần tật các con suối- một trong lịch trình mà bạn đừng bỏ lỡ khi đến Huế nhé.

Tham quan những khu làng nghề truyền thống xứ Huế

Nổi tiếng cần cù, chất phác và luôn có những sản phẩm truyền thống, Huế hội tụ gần như đầy đủ các ngành nghề truyền thống. Chính vì vậy, ghé và khám phá những làng nghề truyền thống khi du lịch đến Huế thì còn gì bằng phải không nhỉ?

Làng tranh làng Sình

Tranh làng Sình nổi tiếng xứ Huế, với loại hình tranh phục vụ tín ngưỡng thờ cúng của người dân địa phương, gồm 3 loại chủ yếu: vẽ nhân vật, đồ vật và súc vật.

Bạn có thể so sánh tranh làng Sình với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng.

Đến tham quan tranh làng Sình đừng quên trải nghiệm hoạt động tô màu vẽ tranh khá thú vị bạn nhé.

  • Hướng dẫn di chuyển: Làng Sình thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Làng Sình nằm đối diện bên kia sông là Thanh Hà – một cảng sông nổi tiếng thời các chúa ở Ðàng Trong, còn có tên là Phố Lở, sau này lại có phố Bao Vinh một trung tâm buôn bán sầm uất nằm cận kề thành phố Huế. Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Mách lẻo: Dù ai đi đó đi đây/Đến ngày hội vật nhớ quay về Sình. Đó chính là câu ca dao nhắc về lễ hội vật làng Sình khá thú vị tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Vì vậy nếu đến thời gian này bạn đừng bỏ lỡ nhé. 

Làng hoa giấy Thanh Tiên

Nếu đã đến Phú Mậu, Phú Vang, thì nhân tiện bạn hãy ghé sang khám phá làng hoa giấy Thanh Tiên luôn nhé.

Nghề hoa giấy có cách đây khoảng 150 năm. Lúc đầu làm đơn giản, số lượng ít, chủ yếu là để đơm cúng ở các am miếu, trang bà, bếp thờ táo quân…Ngày nay, hoa giấy không chỉ để thờ cúng, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà còn được trưng bày trong các lễ hội như Festival Huế, lễ hội áo dài Minh Hạnh, được trưng bày ở Đại Nội – Huế, ở Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang, TT Huế).

  • Hướng dẫn di chuyển: Làng Thanh Tiên nằm vào một vị trí khá đặc biệt bên bờ nam hạ lưu sông Hương, phía bắc giáp thôn Mậu Tài, nam giáp Thế Vinh, đông giáp Vọng Trì, đông tây giáp sông Hương. (Nằm khá gần với làng Sình)

Làng nghề nón lá Tây Hồ

Làng Tây Hồ từ lâu nổi tiếng với nghề chằm nón lá truyền thống – một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm hồn Huế.

Sao anh không về thăm quê em
Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên
Bàn tay xây lá, tay xuyên nón
Mười sáu vành, mười sáu trăng lên.

Bài thơ nón lá vẫn còn nhớ như in khi nhắc đến ngôi làng chằm nón lá nức tiếng xứ Huế. Nón lá Tây Hồ nổi tiếng bởi độ mỏng, thanh, màu sắc nền nã và đường kim, mũi chỉ đều, đẹp nên người tiêu dùng rất yêu chuộng.

  • Hướng dẫn di chuyển: Nằm bên dòng sông Như Ý, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế)

Làng nghề đan lát Bao La

Bao La là một làng quê nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm tre, chế tác đồ dân dụng trong nhà như thúng, mủng, rổ rá, giần sàng, nong…

Đến Bao La, hãy thử xem tay của những nghệ nhân điêu nghệ đan từng chiếc rổ, chiếc thúng, và nếu có cơ hội thì bạn hãy thử trải nghiệm đan tre nứa ra thành những sản phẩm tuyệt vời như vậy nhé.

  • Hướng dẫn di chuyển: Làng Bao La nay ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền ven bờ Bắc trung lưu sông Bồ.

Làng nghề đúc đồng

Phường Đúc là tên gọi của một làng nghề đúc đồng trứ danh xứ Huế.

Nằm trong khu vực thành phố nên bạn cũng sẽ dễ dàng di chuyển đến ngôi làng nghề truyền thống này. Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng ở Việt Nam. Phường đúc gồm có 5 xóm, Trường Đồng, Kinh Nhơn, Bổn Bộ, Giang Dinh, Giang Tiền nhưng chỉ có Kinh Nhơn và Bổn Bộ là hai làng nghề đúc đồng lớn nhất và có danh tiếng.

  • Vị trí: Phường nằm ở ven bờ nam sông Hương, đoạn từ cầu Giã Viên lên phía Long Thọ, cách thành phố Huế khoảng 3km về phía tây nam, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Làng nghề gốm Phước Tích

Làng Phước Tích tiện cho việc thông thương bằng đường thủy để khai thác nguyên liệu và chở sản phẩm gốm đi bán. Từ đó hình thành nên làng gốm Phước Tích.

Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Các sản phẩm gốm không tráng men như lọ hoa…cũng đã được bán sang Nhật Bản và được sử dụng trân trọng trong các buổi tiệc trà của Nhật.

  • Vị trí: Làng nay là Phước Phú thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, do hai thôn Phước Tích và Phú Xuân nhập lại.

Làng nghề kim hoàn Kế Môn

Làng Kế Môn nổi tiếng có nghề kim hoàn ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII. Nghề kim hoàn ở Kế Môn là nghề gia công cổ truyền đồ trang sức, trang trí bằng chất liệu vàng hoặc bạc, là nghề làm trang sức mĩ nghệ bằng kim loại quý ở kinh thành và xứ Đàng Trong.

Nếu có dịp tham quan đến ngôi làng nghề truyền thống này, bạn sẽ cảm nhận và tìm hiểu về quy trình chế tạo nên một đồ vật trang sức tỉ mỉ như thế nào.

  • Vị trí: Làng Kế Môn Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về phải Đông-Bắc, xã Điền Môn, huyện Phong Điền.

Làng nghề Liễn làng Chuồn – Bánh Tét làng Chuồn

Làm Liễn là một nghề được hình thành từ nguồn gốc hiếu học của người dân làng Chuồn.  Viết chữ đẹp, biết cái đẹp của nghệ thuật viết chữ, từ đó tạo ra lối chơi sang treo liễn ngày Tết hay để tặng mừng nhau. Ở làng Chuồn hiện nay có rất nhiều gia đình biết in liễn Tết, họ tập trung làm từ tháng mười đến giáp Tết, mỗi gia đình trong vụ liễn in từ dăm trăm đến vài nghìn bộ.

Đặc điểm của loại hình này gồm có: Giấy in liễn là loại giấy để in báo, mua về phải nhuộm các màu đỏ, vàng hoặc xanh. Còn màu là các phẩm bột mua ở chợ về hòa với hồ cho dính, cũng có dùng bột điệp nhưng không để nguyên màu trắng ánh mà pha thêm màu xanh dương theo tỷ lệ 10 điệp + 1 dương để có màu sáng dịu. Bạn sẽ có dịp trải nghiệm hoạt động này nếu đến tham quan vào thời điểm từ tháng 10 âm lịch đến giáp Tết.

  • Vị trí: Làng Chuồn là tên nôm của làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang.

Mẹo tham quan: Đến làng nghề Liễn làng chuồn, đừng quên ghé sang tham quan đầm Chuồn và thưởng thức món bánh tét làng Chuồn nhé. 

Làng hương Thủy Xuân

Nằm cách trung tâm TP Huế 7 km về hướng Tây Nam, Làng hương Thủy Xuân trên đường Huyền Trân Công Chúa là một ngôi làng đẹp cây cối xanh tươi ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh và thâm trầm cùng dòng sông Hương thơ mộng.

Làng Hương – Ảnh Mai Hương

Nghề làm hương không chỉ phục vụ tín ngưỡng, hương Thủy Xuân còn phục vụ cả du lịch. Làng thành điểm du lịch cho nhiều du khách châu Âu.

Trải nghiệm du lịch: trên đường đi thăm lăng vua Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, làng như được ánh lên bởi những sắc vàng, sắc đỏ, sắc xanh của những bông hoa hương và mùi hương trầm thơm ngát tỏa khắp không gian, nhìn rất là thích thú. 

Cầu ngói Thanh Toàn

  • Vị trí: Cầu Ngói Thanh Toàn nằm ở địa phận làng Thanh Thủy Chánh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông.

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui.”


Một góc nhìn về cầu Ngói Thanh Toàn, bên cây đa cổ thụ.
Ảnh N.N

Tới Huế rồi mà không về Cầu Ngói Thanh Toàn là chưa vui đâu đấy nhé. Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu bắc qua một con sông nhỏ, đoạn cuối của con sông Như Ý, chảy suốt từ đầu làng đến cuối làng Thanh Thủy.

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.

Đây là loại cầu hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu Việt Nam. Nếu như ngoài Bắc có hai chiếc cầu nổi tiếng thuộc loại này là cầu Phúc Toại và cầu Phù Khê, còn ở miền Trung thì chỉ có cầu ngói Thanh Toàn ở Huế và Chùa Cầu ở Hội An mà thôi, nhưng mái ngói cầu ngoài Bắc thì lợp ngói liệt, còn mái cầu ở miền Trung đều lợp bằng ngói ống.

Bạn hãy đến tham quan cây cầu, rồi nghe người dân sống quanh đây kể về sự tích cây cầu, rồi ngồi nghỉ mát, đung đưa đôi bàn chân thả xuống phía dưới. Một cảm giác thật là thích đó nhé.

Khu du lịch sinh Thái Thủy Biều

Một trong những điểm nhấn mình dùng để tạm kết hành trình những điểm tham quan này sẽ là khu du lịch sinh thái Thủy Biều – nơi mà bạn không chỉ có tham quan, khám phá mà còn được trải nghiệm những hoạt động du lịch xanh.


Dễ dàng tìm thấy những lối đi yên tĩnh như thế này tại Thủy Biều 

Một số hoạt động trải nghiệm khi đến với khu du lịch sinh thái Thủy Biều: thật ra nơi đây đơn thuần chỉ là một ngôi làng nằm trong lòng thành phố Huế với những khu nhà rườn và những vườn cây thanh trà sai quả bên dòng Hương thơ mộng.

Và những hàng thanh trà sai trĩu quả xanh mát

Cũng vì vậy, bạn đến đây nhớ:

  • Dạo quanh vườn thanh trà sai quả trên những con đường nhỏ rợp cây xanh với những chiếc xe đạp nhé.
  • Thưởng thức những món ăn Huế ngon nức tiếng, món vả trộn hay bữa cơm dân giã.

Đến đây thì hẳn bạn đã bắt đầu thấy choáng ngợp trước vô số địa điểm du lịch, vui chơi ở Huế rồi chứ? Bây giờ sẽ là lúc bạn cần phải cầm sổ bút hay ghi chú điện thoại để list ra những điểm đến nhất định phải check in khi đi du lịch Huế ngay thôi.

Và nếu cần bất cứ thông tin gì với những địa điểm trên thì đừng ngần ngại để lại thông tin, mình sẽ mách lẻo tất tần tật cho bạn nhé.

Chúc bạn sẽ có những ngày tuyệt vời khi đến Huế.

About Thổ Địa Huế

Mình là Luận Luận - Thổ Địa Huế (thodiahue.com) của Thổ Địa Du Lịch Viettravelo.com, rất vui khi được chia sẻ du lịch cùng các bạn. Với mong muốn là Thổ Địa dẫn đường cho mọi chuyến du lịch của bạn tại Huế. Bạn có thể kết bạn với mình để theo dõi hoặc cần tư vấn lịch trình du lịch sắp tới đẻ có trải nghiệm tuyệt vời nhất nhé. Facebook mình: fb.com/thodiahue.local và fb.com/nguyenthi.thanhluan

LIKE ĐI BẠN ƠI

  • commentsComments Off on Thổ địa ơi, Địa điểm du lịch Huế hấp dẫn nào không thể bỏ qua vậy?

    Bình luận

  • Zalo

    Send Zalo

  • icon find

    Tìm kiếm