Mình là Hải Hà – Thổ Địa du lịch tại Hà Nam, Trong bài này mình xin được chia sẻ kinh nghiệm du lịch Hà Nam tự túc, phượt Hà Nam do mình đúc kết. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Hà Nam thú vị nhất.
Trước đây mình học và làm việc tại Hà Nội nên cũng có khá nhiều bạn bè ở trên đó. Biết được mình đóng đô ở đây nên cứ mỗi dịp bạn bè đi qua Hà Nam đều gọi mình để tư vấn lịch trình. “Hà ơi, ở Hà Nam thì đi chơi ở đâu, ăn gì? Và đặc trưng bản sắc của con người Hà Nam là gì.” Ban đầu thực sự mình cũng không biết. Nhưng rồi mình đi hỏi những người thân xung quanh và trực tiếp thực trải các chuyến đi nên cũng đúc rút ra được phần nào. Trong bài này mình xin chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm du lịch Hà Nam mà mình mình có được. Mong rằng những kinh nghiệm này sẽ giúp bạn có một chuyến du lịch Hà Nam ý nghĩa nhất.
Hà Nam với mình được coi là quê hương thứ hai sau Quảng Ninh, không quá hùng vĩ và tuyệt đẹp như Hà Giang, không tráng lệ như kinh đô Hoa Lư Ninh Bình. Hà Nam trong tôi đẹp bình dị và yên bình, phù hợp cho những ai muốn về vùng quê chân chất đậm bản sắc làng quê Việt Nam và khám phá những địa danh văn hóa du lịch nổi tiếng đã đi vào lịch sử như Nhà Bá Kiến (Chí Phèo, Thị Nở), chùa Bà Đanh, nhiều làng nghề truyền thống vẫn được lưu giữ, cùng các món ăn đặc trưng hấp dẫn mà chỉ Hà Nam mới có.
Mục Lục
- 1 Tỉnh Hà Nam ở đâu, cách Tp. Hà Nội bao xa?
- 2 Nên đi du lịch Hà Nam vào thời điểm nào?
- 3 Phương tiện và cách di chuyển đi du lịch Hà Nam
- 4 Nhà nghỉ, khách sạn, homestay ở Hà Nam? Nên nghỉ ở đâu khi đến Hà Nam?
- 5 Địa điểm du lịch ở Hà Nam KHÔNG THỂ KHÔNG ĐẾN, địa điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nam
- 5.1 Ngôi nhà Bá Kiến nổi tiếng trong tác phẩm “Chí Phèo”
- 5.2 Chùa Bà Đanh – Ngôi chùa “đệ nhất vắng khách”
- 5.3 Các làng nghề truyền thống ở Hà Nam
- 5.4 Ao Dong – Hang Luồn – Tam Cốc Bích Động của Hà Nam
- 5.5 Địa linh nhân kiệt – Bát Cảnh Sơn
- 5.6 Chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) – Linh thiêng cổ tự
- 5.7 Động Phúc Long
- 5.8 Đền Trúc – Ngũ Động Sơn
- 6 Những món ăn ngon không thể không thử khi đi du lịch Hà Nam
- 7 Gợi ý lịch trình du lịch cuối tuần Hà Nội – Hà Nam 2 ngày 1 đêm
- 8 Một số lưu ý du lịch Hà Nam
Tỉnh Hà Nam ở đâu, cách Tp. Hà Nội bao xa?
Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng Việt Nam. Phía Bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình. Trong quy hoạch xây dựng, tỉnh này thuộc vùng Hà Nội. Tỉnh lị là thành phố Phủ Lý, nằm cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Nam. (Theo Wiki)
Nên đi du lịch Hà Nam vào thời điểm nào?
Hà Nam có thời tiết khá tương đồng với Hà Nội nên bạn có thể dễ dàng lựa chọn cho mình thời gian lên đường phù hợp. Ngoài ra, các điểm du lịch Hà Nam dường như không thay đổi và chịu ảnh hưởng của thời tiết, nên bạn có thể chọn đến tham quan bất cứ mùa nào trong năm. Tuy nhiên những điểm du lịch ở đây hầu hết là ngoài trời nên mùa thu là phù hợp để tận hưởng không khí mát mẻ.
Nếu bạn là người yêu thích lễ hội và khám phá những nét văn hóa đặc trưng, bạn có thể đến Hà Nam vào thời điểm từ tháng giêng đến tháng ba để trải nghiệm những giây phút thú vị cùng con người thân thiện và mảnh đất hữu tình này nhé!
Dưới đây là một số thông tin về các lễ hội chính ở Hà Nam bạn có thể tham khảo để lên kế hoạch cho lịch trình của mình:
Hội làng Duy Hải
Thời gian: 2/1 âm lịch.
Địa điểm: Xã Duy Hải, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Trần Khánh Dư (tướng đời Trần).
Đặc điểm:
- Cúng thần ánh giầy
- Thi chạy giật cờ
- Diễn trò trận mạc thủy quân
Hội làng Gừa
Thời gian: 4/1 âm lịch.
Địa điểm: Làng Gừa, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Trương Nguyên, vị tướng của vua Đinh Bộ Lĩnh.
Đặc điểm: Trò chơi cướp cầu và đấu vật nhắc lại tục tuyển chọn lính từ thời Đinh.
Hội làng Vàng
Thời gian: 7 – 10/1 âm lịch.
Địa điểm: Làng Vàng, xã Trịnh Xá, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Thành hoàng làng.
Đặc điểm: Thi pháo đất.
Hội vật võ Liễu Đôi
Thời gian: 5 – 10/1 âm lịch.
Địa điểm tổ chức: Làng Liễu Đôi, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Thánh họ Đoàn giỏi võ, sức khoẻ phi thường có công dẹp giặc.
Đặc điểm:
- Đấu vật
- Lễ chém chữ (lễ Trảm tự)
- Thi nói vè
- Thi làm đặc sản chế biến từ lươn, ốc, ếch, cá
Hội Dương Hò
Thời gian: 24/1 âm lịch.
Địa điểm: Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư (người có công đánh giặc Nguyên).
Đặc điểm: Lễ đại tế và rước thần.
Hội đền Trúc (hội Quyển Sơn)
Thời gian: 6/2 âm lịch.
Địa điểm: Thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Lý Thường Kiệt.
Đặc điểm:
- Hát dậm (vừa hát vừa dậm chân theo lối người chèo thuyền trên sông)
- Thi múa
- Bơi chải
Hội đình làng Võ Giàng
Thời gian: 15/2 âm lịch.
Địa điểm: Xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Vũ Cố, một tướng tài của Lê Lợi đã tham gia đánh giặc Minh trên sông Đáy.
Đặc điểm:
- Tế thánh
- Đua thuyền
- Phóng lao
- Hát đối nam nữ trên thuyền, hát giao duyên
Lễ hội chùa Long Đọi
Thời gian: 21/3 âm lịch.
Địa điểm: Chùa Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Đức Phật, vua Lý Nhân Tông.
Đặc điểm:
- Lễ Phật
- Rước kiệu từ chân núi lên chùa làm lễ dâng hương tưởng niệm Lý Nhân Tông
- Đội tế nam quan và tế nữ quan tạ ơn trời Phật.
- Thi nấu cơm thi, thi dệt vải, bơi thuyền, hát chèo, múa tứ linh, đấu vật, đánh cờ người
Lễ hội đền Lảnh Giang
Thời gian: 18-25/6 âm lịch và 25/8 âm lịch
Địa điểm: Thôn Yên Lạc, xã Mộc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam
Đối tượng suy tôn: 3 vị tướng thủy thần thời Hùng vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương); công chúa Tiên Dung cùng chồng là Chử Đồng Tử.
Đặc điểm:
- Tế lễ, rước thánh
- Diễn xướng dân gian hầu Thánh (hát Chầu Văn) tái hiện huyền tích vị Thánh đền Lảnh Giang
- Múa rồng, múa lân, võ vật, đấu cờ người…
Lễ hội đền Trần Thương
Thời gian: 18 – 20/8 âm lịch.
Địa điểm: Đền Trần Thương, thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng suy tôn: Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo).
Đặc điểm:
- Lễ rước nước
- Diễn xướng Thanh đồng
- Thi bơi chải trên sông, đánh cờ tướng…
Phương tiện và cách di chuyển đi du lịch Hà Nam
Di chuyển về Hà Nam khá thuận tiện và có nhiều lựa chọn về phương tiện. Bạn có thể đi tàu, xe bus, xe khách hoặc đi xe máy từ Hà Nội. Mình xin hướng dẫn bạn cách di chuyển từ Hà Nội về Hà Nam bằng các phương tiện chi tiết như sau.
Phương tiện di chuyển du lịch Hà Nam bằng tàu hỏa
- Đi Tàu: Bạn có thể đặt và giữ vé tàu qua hotline 19006469, của cục đường sắt Việt Nam. Giá vé dao động từ 65K – 165K tùy bạn chọn loại chất lượng đi TN, SE, có ghế cứng, mềm, điều hòa..
Thời gian chạy tàu Hà Nội – Phủ Lý và ngược lại
Phương tiện di chuyển du lịch Hà Nam bằng xe khách
Xe khách về Hà Nam: Bạn có thể bắt xe khách tại bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình hoặc bến Nước Ngầm để tới Hà Nam. Giá vé dao động từ 50K – 60K tùy thời điểm. Một số nhà xe đảm bảo mà mình hay đi là:
Nhà xe Mận Thịnh: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam
Lịch trình: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam
Bến: Nước Ngầm
Giờ chạy: đang cập nhật
Giá vé: 80.000đ/chiều
Điện thoại:
Nhà xe Hoàng Long: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam (giường nằm)
Lịch trình: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam
Bến: Giáp Bát
Giờ chạy: đang cập nhật
Giá vé: 80.000đ/chiều
Điện thoại:
Ngoài xe khách ghế ngồi và giường nằm, hiện nay xe đi về Hà Nam còn có xe limousine chất lượng cao, thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo. Tuy nhiên giá vé sẽ cao hơn một chút.
Nhà xe Xe Phúc Lộc Thọ Limousine: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam (giường nằm)
Lịch trình: Hà Nội – Phủ Lý, Hà Nam
Bến: Mỹ Đình
Giờ chạy: đang cập nhật
Giá vé: 60.000đ/chiều
Điện thoại: 02283656565
Phương tiện di chuyển du lịch Hà Nam bằng xe bus
Để về Hà Nam với chi siêu rẻ và khá thuận tiện bạn có thể lựa chọn xe bus. Bạn di chuyển ra bến Giáp Bát chọn tuyến 206 (Giáp Bát – Phủ Lý), cứ 15 phút là có một chuyến rồi. Nếu bạn là sinh viên hay ở nơi xa đến, bạn nên đi thử xe bus thần thánh này. Đây có lẽ là một trải nghiệm thú vị để tìm hiểu những người địa phương trên xe bus. Thời gian hoạt động của xe bus: 5h – 19h hàng ngày với lịch trình cụ thể như sau:
+ Lượt đi: Bến xe Giáp Bát – Giải Phóng – Ngọc Hồi – Văn Điển – Quốc lộ 1 – Quán Gánh – Thường Tín – Tía – Đỗ Xá – Nghệ – Sổ – Phú Xuyên – Guột – Cầu Giẽ – Đồng Văn – Ba Đa – Nội Thị Phủ Lý – Bến xe Phủ Lý.
+ Lượt về: Bến xe Phủ Lý – Quốc lộ 1 – Nội Thị Phủ Lý – Ba Đa – Đồng Văn – Cầu Giẽ – Guột – Phú Xuyên – Sổ – Nghệ – Đỗ Xá – Tía – Thường Tín – Quan Gánh – Văn Điển – Ngọc Hồi – Giải Phóng – Bến xe Giáp Bát.
Di chuyển du lịch Hà Nam, Phượt Hà Nam bằng xe máy hoặc ô tô tự lái
Còn gì thú vị hơn khi lựa chọn 1 chuyến “phượt Hà Nam” bằng xe máy hoặc ô tô riêng. Bạn chỉ cần chạy thẳng QL1A về phía Nam Hà Nội chừng 60km là tới TP. Phủ Lý. Nếu chạy ô tô riêng bạn có thể rẽ vào tuyến CT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Link chỉ đường của Google Map: Link map
Lưu ý: Nếu đi theo cách này, bạn cần mang đầy đủ giấy tờ xe và tuân thủ các quy định giao thông đường bộ. Trên tuyến đường này, các anh cảnh sát đứng khá nhiều đấy.
Nhà nghỉ, khách sạn, homestay ở Hà Nam? Nên nghỉ ở đâu khi đến Hà Nam?
Ở Hà Nam bạn có thể dễ dàng tìm nhà nghỉ tại các con phố Lý Thường Kiệt, Đinh Tiên Hoàng, Lê Hoàn thuộc thành phố Phủ Lý. Mức giá dao động từ 200K – 250K.
Các bạn có thể tham khảo một số khách sạn, nhà nghỉ ở Hà Nam dưới đây:
✅ Khách sạn Bình Minh
Địa chỉ: Đường Trần Phú, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý, Hà Nam
Tel: (84-351) 385 1097
✅ Khách sạn Hoà Bình, tiêu chuẩn 2 sao
Địa chỉ: Đường Trần Phú, phường Quang Trung, TP. Phủ Lý, Hà Nam
Tel: (84-351) 385 1005. Fax: (84-351) 385 1610
Đừng bỏ lỡ: Khuyến mãi, nhận ưu đãi lên tới 20 – 40% khi đặt phòng thông qua Agoda trong tháng 1. Bấm để xem chương trình, các địa điểm được ưu đãi v.v
✅ Nhà khách 30 Tháng 4
Địa chỉ: Quốc lộ 1, TP. Phủ Lý, Hà Nam
Tel: (84-351) 385 3091
Ngoài ra, nếu bạn đến làng Hòa Hậu để tìm hiểu về nghề truyền thống kho cá, bạn có thể ở các nhà nghỉ do người dân tự xây cho khách có nhu cầu. Mức giá từ 100K – 200K.
Địa điểm du lịch ở Hà Nam KHÔNG THỂ KHÔNG ĐẾN, địa điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Nam
Nên đi đâu chơi ở Hà Nam? Địa điểm tham quan nổi tiếng tại Hà Nam, phượt Hà Nam có gì hay? Đây là băn khoăn của bất cứ ai có ý định du lịch Hà Nam hay đang ở Hà Nam mà không biết đi đâu. Dưới đây là những địa điểm nổi tiếng ở Hà Nam các bạn có thể tham khảo cho chuyến đi sắp tới của mình.
Ngôi nhà Bá Kiến nổi tiếng trong tác phẩm “Chí Phèo”
Điểm đến đầu tiên phải kể tới là “ngôi nhà Bá kiến” trong tác phẩm văn học “Chí Phèo” của Nam Cao. Đây là điểm đến gần như ghi dấu trong mỗi lòng du khách đến đây hay chưa từng đến đây. Trước kia khi ra ngoài Hà Nội học cứ hễ nhắc “tao quê ở Hà Nam” là lũ bạn lại hỏi: Nhà mày gần nhà Bá Kiến không? Sao quê Thị Nở mà lại có con gái xinh thế này???? Nên mỗi dịp có bạn bè hay có khách đến Hà Nam mình đều gợi ý điểm du lịch này đầu tiên.
“Ngôi nhà Bá Kiến” nằm tại thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Trải qua bao thăng trầm, những gì còn lại chỉ là ngôi nhà 3 gian và đôi chum hứng nước trước sân. Bên cạnh ngôi nhà Bá Kiến, thôn Nhân Hậu còn nổi tiếng với món cá kho “ngon nhất vịnh Bắc Bộ” và đặc sản chuối Ngự đại Hoàng hay được gọi chuối tiến Vua. Vì thế khi đến đây, bạn không chỉ cảm nhận không gian yên bình của một vùng quê mà còn được quan sát cách kho cá đặc biệt và thú vị nhất là thưởng thức nhiều “tuyệt đỉnh mỹ vị” – những món ngon mà chỉ vua chúa mới được dùng.
Chùa Bà Đanh – Ngôi chùa “đệ nhất vắng khách”
Chùa Bà Đanh – ngôi chùa “đệ nhất vắng khách” là địa danh thứ 2 phải kể đến khi đến du lịch Hà Nam. Người dân ở đây cho rằng nguyên nhân khiến ngôi chùa trở nên vắng vẻ là do nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến. Đây cũng là nguồn gốc cho câu thành ngữ quen thuộc “vắng như chùa Bà Đanh”.
Chùa Bà Đanh nằm phía hữu ngạn sông Đáy, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, cách Phủ Lý 10km. Từ thành phố Phủ Lý rẽ vào quốc lộ 21, đi qua cầu Quế khoảng 1km sẽ đến chùa Bà Đanh. Chùa nằm ở vị trí khá vắng vẻ, giữa không gian non nước hữu tình, nên thơ. Khung cảnh nơi đây thanh bình, yên tĩnh sẽ mang đến cho bạn sự bình yên, sâu lắng trong tâm hồn.
Ngoài thờ Phật, ngôi chùa còn thờ thần Pháp Vũ (Bà Đanh). Trong chùa cũng có tượng Bồ Tát, tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Khoảng sân chùa khá rộng được lát đá. Vườn chùa trồng nhiều loại cây như đa, hoàng lan, sứ, bưởi… Đặc biệt, ngôi chùa trồng một cây đào tiên tán thấp, quả to, tròn và dẹt dẹt như bưởi nhưng vỏ nhẵn thín màu xanh bóng, mọc chi chít trên cành.
Các làng nghề truyền thống ở Hà Nam
Trải nghiệm thứ 3 phải kể đến khi đi du lịch Hà Nam là tham quan các làng nghề truyền thống. Hà Nam nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống như:
- Làng trống Đọi Sơn
- Làng nghề kho cá Nhân Hậu
- Nghề rượu vọc
- Bánh cuốn hoa cải
- Nghề làm bánh chưng làng Đầm
- Nghề dũa An Đổ
- Làng thêu ren Thanh Hà
- Làng thêu An Hòa
- Nghề làm bánh đa nem ở Nguyên Lý
- Làng dệt lụa Nha Xá
- Làng mây tre đan Ngọc Động…
Tham quan và khám phá các làng nghề truyền thống là cách đơn giản để bạn cảm nhận được văn hóa Hà Nam một trọn vẹn.
Làng nghề rượu vọc
Làng Vọc ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục nổi tiếng với nghề làm rượu từ bao đời nay. Về thăm làng Vọc, bạn sẽ được thấy được nghị lực kiên cường, không ngừng vươn lên của người dân vùng đất chiêm khê mùa thối.
Ngoài công việc chính là làm ruộng, hầu hết các gia đình trong làng đều tham gia ít nhiều vào nghề nấu rượu như: làm men, buôn bán men, nấu rượu hay mở cửa hàng bán rượu.
Từ bao đời nay, người làng Vọc chỉ trung thành với một công thức chưng cất rượu. Rượu được nấu bằng gạo đặc sản ủ với men ta gồm 36 vị thuốc Bắc. Quá trình làm rượu rất công phu. Từ lúc úp men phải trải qua 2 – 3 ngày, chờ khi men dậy mới được mở. Cơm rượu nấu chín vừa, không khô hoặc nhão quá, đánh tơi để nguội trước khi rắc men. Sau đó, cho cơm vào vò sành ủ 48 tiếng. Khi có mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm thì đem nấu.
Làng nghề bánh cuốn hoa cải
Những miếng thịt nướng vàng ruộm được tuốt ra từ xiên chả còn nóng hổi, trông như những bông hoa cải. Bánh cuốn trắng tinh, thơm mùi gạo, mềm, mỏng tang và dai, nhắp trong mỡ phi hành thơm, ăn với chả. Đó là bánh cuốn chả, hay có người gọi là bánh cuốn hoa cải – đặc sản của vùng đất chiêm trũng Hà Nam.
Bánh cuốn Hà Nam có bán nhiều ở chợ Phủ Lý hay trong những quán xá của thành phố bên sông Đáy. Món bánh dân dã, giản dị mà “hút hồn” bao thực khách.
Bánh chưng Đầm
Làng Đầm cách thành phố Phủ Lý chừng 5km nổi tiếng cả vùng với nghề truyền thống làm bánh chưng. Bánh chưng Đầm thơm ngon và có vị đặc trưng mà không ở đâu có, bởi có biết quyết riêng.
Người dân chỉ dùng nước mưa để luộc bánh. Nguyên liệu thì được chọn rất cẩn thận: Gạo Hải Hậu, đỗ xanh loại vàng mẩy, hạt tiêu phải tự rang và xay, thịt ba chỉ đều các phần nạc mỡ. Đặc biệt bánh có thể để được cả chục ngày mà không bị ôi thiu.
Làng nghề dệt lụa truyền thống ở Nha Xá
Nha Xá là một làng nghề dệt lụa truyền thống thuộc xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, Hà Nam. Ngay từ đầu thế kỷ, các lái buôn hàng lụa thị trường Sài Gòn – Chợ Lớn đã tín nhiệm những súc tơ lụa nõn bóng, mượt mà của làng quê này. Trải qua thời gian, làng dệt Nha Xá vẫn duy trì làng nghề để làm đẹp cho đời, làm ấm lòng người trong và ngoài nước.
Ao Dong – Hang Luồn – Tam Cốc Bích Động của Hà Nam
Ao Dong – Hang Luồn nằm cách thành phố Phủ Lý khoảng 12 km, là một điểm đến hấp dẫn và được ví như Tam Cốc Bích Động của Hà Nam. Ghé tới đây, du khách như lạc vào bức tranh thiên nhiên hữu tình với những nhũ đá muôn hình vạn trạng, mặt nước trong xanh và yên ả.
Ao Dong thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Ao Dong được hình thành từ các dãy núi cao, xung quanh là các vườn cây xanh mướt mắt, động vật khá đa dạng, nhưng chủ yếu là cò trắng và sơn dương. Có cái tên Ao Dong có lẽ bởi vì nơi đây có nhiều rong rêu, sau đó đọc sai thành “Dong”. Nước Ao Dong trong vắt một màu xanh. Ngồi trên thuyền bạn có thể nhìn thấy từng đàn cá tung tăng bơi lội và thảm thực vật nhiều màu sắc dưới đáy ao. Lưu ý, khi đến đây bạn sẽ phải thuê thuyền và trả phí khi tham quan.
Hang Luồn được bao quanh bởi dãy núi hùng vĩ. Không khí ở đây khá mát mẻ. Trong lòng hang là con suối nhỏ có nước rất trong và mát. Vào mùa mưa sẽ có bến thuyền tại đây, còn vào mùa nước cạn bạn có thể đi bộ xuống cửa hang Luồn.
Trước cửa hang Luồn là hai ngọn núi thấp, nằm thoai thoải chắn tạo thành một khoảng trống rộng để du khách nghỉ chân và ngắm toàn bộ cảnh hang. Lòng hang có các khối nhũ đá lớn rủ xuống từ trần. Khám phá lòng hang sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị và cảm giác đầy huyền bí.
Địa linh nhân kiệt – Bát Cảnh Sơn
Một địa điểm không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nam là Bát Cảnh Sơn, nằm tại xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng. Quần thể danh thắng nổi tiếng của Hà Nam nằm bên tả ngạn sông Đáy, thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan. Xưa kia nơi đây được coi là thắng cảnh của trấn Sơn Nam, gồm có 8 ngôi chùa và một ngôi đền được sắp xếp theo thuyết ngũ hành (một vài thắng cảnh đã bị hủy hoại bởi chiến tranh).
Bát cảnh sơn bao gồm:
- Đền Tiên Ông (đền Ông)
- Chùa Ông
- Chùa Tam Giáo (có nhiều pho tượng quý)
- Quần thể các ngôi chùa: Chùa Kiêu, chùa Bà, Chùa Dâu, Chùa Cả, Chùa Bông, Chùa Vân Mộng
Địa linh nhân kiệt, Bát cảnh sơn không chỉ nổi tiếng là danh thắng mà còn nổi tiếng về người hiền tài. Huyện Kim Bảng có 5 nhà khoa bảng thì Tượng Lĩnh có tới 3 người. Tượng Lĩnh còn được coi là nơi phát tích truyện trầu cau vì ở đây còn có suối Cau trong dãy núi đá vôi (nay gọi là suối Tân Lang), có chợ trầu (nay là chợ Dầu).
Chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam) – Linh thiêng cổ tự
Thuộc xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam, chùa Long Đọi Sơn nổi danh như một vùng nông trang trù phú, mang đến cho bạn cảm giác bình yên và khá thoải mái. Ghé thăm nơi này, bạn có thể dạo bước tới núi Đọi để phóng tầm mắt bao quát khung cảnh rộng lớn xung quanh, vãn cảnh chùa Đọi và thưởng thức vị thơm mát của chè xanh trên núi. Nếu ghé thăm vào tháng 3 bạn sẽ có dịp hòa mình vào lễ hội chùa Đọi với nhiều tiết mục văn hóa ngay trên sân chùa.
Động Phúc Long
Động Phúc Long nằm ở trong khu núi Chùa, thuộc dãy núi Kiện Khê, thuộc xóm Trì, Tiên Nội, Duy Tiên, Hà Nam. Theo như tương truyền, trên dãy núi Chùa của rồng quây quần trên đỉnh, có cây Tùng cổ thụ. Vì thế nơi đây được xem là danh thắng không thể bỏ qua khi du lịch tại Hà Nam. Đường lên núi có nhiều thềm đá xếp thành từng bậc nên rất dễ đi và thoải mái cho các bạn khám phá.
Đứng từ đỉnh núi bạn sẽ thu vào tầm mắt toàn cảnh vẻ đẹp của núi Bút Sơn, rừng Thanh Thủy, sông Đáy nên thơ trữ tình. Lúc này bạn sẽ thấy tâm hồn mình thật thanh thản và thoải mái, mọi ưu phiền đều như tan biến hết. Trên ngọn núi bạn có thể khám phá động Phúc Long, vào trong động, bạn sẽ thấy một ngã ba, đi theo hướng bên tay phải bạn sẽ gặp hàng chục hang động với nhiều thạch nhũ lóng lánh, đi về phía bên trái bạn sẽ thấy đường đá nhô cao với đủ các hình thù. Trong động Phúc Long có rất nhiều loài dơi cư ngụ, hơn nữa động có dáng giống con rồng thắt túi, lòng hang khá rộng với sức chứa lên tới vài trăm người.
Đền Trúc – Ngũ Động Sơn
Thuộc thôn Quyền Sơn, Kim Bảng, khu danh thắng đền Trúc – Ngũ Động Sơn có không gian xanh mát, phong cảnh thoáng đãng, gần gũi, thiên nhiên hùng vĩ cùng hệ thống hang động kì lạ, rừng trúc xanh mát chính là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Đến đây bạn còn bị hấp dẫn bởi điệu hát dặm nghĩa tình, cạnh con sông Đáy yên bình và hiền hòa.
Ngũ Động Sơn cũng là một điểm du lịch lý thú, gồm những con động nối liền kéo dài cả trăm mét lan sâu trong lòng núi Cấm. Không khí trong lành, các thế núi được thiên nhiên ban tặng cho vẻ hoang sơ muôn hình muôn trạng, mang đến cho bạn cảm giác bình yên và thư thái. Hang động đầu tiên có hình thù giống hàm ếch lung linh ánh sáng khi có ánh nắng chiếu vào. Tiến sâu vào trong, bạn sẽ bắt gặp những khối nhũ đá kì diệu muôn màu lung như những khối ngọc bích tuyệt đẹp. Lên tới đỉnh núi Cấm bạn sẽ được chiêm ngưỡng bàn cờ tiên, theo truyền thuyết vào những đêm trăng sáng có các vị tiên tới chơi cờ và ngắm cõi dương gian, cạnh đó là vùng lõm huyệt Đế Vương.
Kẽm Trống – Nam Thiên đệ Tam Động Hà Nam
Nằm gần đường quốc lộ 1A, giữa địa phận 2 tỉnh Hà Nam và Ninh Bình, Kẽm Trống cũng là một địa điểm mà bạn nên ghé thăm nếu du lịch Hà Nam. Sở dĩ có tên gọi Kẽm Trống là bởi khoảng không được tạo ra bởi những dãy núi núi Rùa, núi Động Xuyên, núi Cổ Động với một bên là núi Bài Thơ, núi Bạt Gia, núi Vọng… với nhiều dáng núi, thế núi khá lạ sừng sững giữa trời Nam.
Điểm ấn tượng ở nơi đây chính là hệ thống hang động trù phú, kì bí. Rất khó có thể tìm được lối vào hang bởi đôi khi hang động chỉ là một khe nhỏ. Lòng động khá rộng và thoáng có thể thông xuyên sang dãy núi khác, đây là điều thú vị làm nên điểm độc đáo khác biệt ở mảnh đất Hà Nam hữu tình.
Những món ăn ngon không thể không thử khi đi du lịch Hà Nam
Sau hành trình tham quan đầy lý thú chính là chuyên mục khám phá ẩm thực. Mỗi nơi ta qua, mỗi địa điểm ta dừng chân, ẩm thực cũng là một lý do thu hút và níu chân mình. Dưới đây, mình sẽ giới thiệu các món ăn ngon mà bạn nhất định phải thử khi ghé thăm đất Hà Nam.
Bánh cuốn Phủ Lý
Một món ăn nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua là bánh cuốn chả của Phủ Lý. Khác với những nơi khác, bánh cuốn Phủ Lý thi vô cùng đặc biệt, vừa nhẹ nhàng mà tinh tế.
Là loại bánh không nhân, bánh cuốn Phủ Lý được ăn kèm với những miếng chả nướng thơm ngậy. Điều đặc biệt của chả nướng ở đây là người ta tẩm ướp gia vị rồi xiên thịt vào que tre để nướng trên than hồng chứ không dùng vỉ sắt nướng đại trà như nhiều nơi khác. Khi thêm vào vài giọt tinh dầu cà cuống, món ăn này lại càng thêm phần hấp dẫn.
Cá kho niêu đất Vũ Đại
Cá kho là món ăn ngon và hấp dẫn và rất quen thuộc trong mỗi bữa cơm gia đình. Nhưng nếu món cá kho ở đây, bạn sẽ thấy nó có hương vị thật đặc biệt. Cá mang kho thường là cá trắm đen được làm sạch, moi hết ruột rồi tẩm ướp gia vị cầu kì trước khi lót một lớp giềng phía dưới nồi đất rồi mang kho suốt 12 tiếng cho cá ngon đúng vị. Thịt cá thơm ngọt, đậm vị, xương cũng mềm mà khúc cá không bị nát. Món ăn này được xem là đặc sản của Hà Nam và rất nhiều du khách đã bỏ công để học công thức.
Bún Tái Kênh
Bún Tái Kênh cũng là một món ngon gây thương nhớ nếu bạn có dịp thưởng thức. Hà Nam là tỉnh có nông nghiệp là trọng điểm nên lúa gạo được chế biến thành nhiều món ăn trong đó bún Tái Kênh nức tiếng khắp vùng. Bún trắng sợi dẻo và săn, nhìn hấp dẫn trở thành nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn từ bún khác: bún phở,bún mọc, bún chả, bún giò heo. Đây là món ăn dân dã, không hề xa xỉ mà vẫn ấm lòng người.
Chuối Ngự Đại Hoàng – Đặc sản tiến vua
Chuối Ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, Lý Nhân nức tiếng về độ ngon và ngọt. Quả chuối ngự mập đều, có vỏ vàng óng, đầu có 3 chiếc râu rất đặc biệt. Tên chuối ngự bởi, từ xa xưa, đây là loại chuối được chọn để tiến cung và dâng lên vua.
Bánh đa kê
Là một thức quà quê dân dã, quen thuộc, bánh đa kê Hà Nam giòn tan, thơm bùi mùi của lạc và vừng. Bánh đa kê có lúc là món ăn điểm tâm sáng đổi bữa cho các món bún, phở hoặc ăn vặt rất thú vị mà bạn cũng nên thử một lần.
Một số nhà hàng ăn ngon rẻ ở Hà Nam
– Nhà hàng Trung Hoa Đại Tửu Lẩu: 72 Tổ 3A Lê Lợi – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam
– Nhà hàng Ngọc Sơn: Vân Sơn – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam
– Cửa hàng ăn uống Sông Châu: Quốc lộ 1A – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam
– Nhà hàng Hoa Mai: 141 Lê Hoàn – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam
– Nhà hàng Nữ Hoàng: Ngõ 10 Tổ 4 – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam
– Khách sạn 30 – 4: 34 Biên Hòa – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam. 03513.853.091; 03513.854.035
– Nhà khách 30-4: Quốc lộ 1A – Thành phố Phủ Lý – Hà Nam. Điện thoại: 0351 385 3091
Gợi ý lịch trình du lịch cuối tuần Hà Nội – Hà Nam 2 ngày 1 đêm
Với khoảng cách khá gần giữa Hà Nội và Hà Nam thì thời gian 2 ngày 1 đêm là khoảng thời gian khá lý tưởng để bạn khám phá những điểm đến nổi bật của Hà Nam.
Ngày 1: Tham quan các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nam tại huyện Kim Bảng
Sáng:5:00 Xuất phát từ Hà Nội đi Hà Nam
7:30 Xe đến Phủ Lý. Bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức đặc sản bánh cuốn chả nướng Phủ Lý
8:00 Bắt đầu hành trình khám phá các điểm đến của Hà Nam. Bao gồm:
- Tam Chúc – khu du lịch sinh thái mới tại huyện Kim Bảng
- Quần thể du lịch Đền Trúc – Ngũ Động Sơn
Trưa: 11:30 Nghỉ trưa và ăn uống.
Chiều: 13:30 Tiếp tục hành trình với các điểm đến:
- Chùa Bà Đanh
- Bát cảnh sơn hoặc Ao Dong – Hang Luồn
Tối: 17:30 Quay lại thành phố Phủ Lý. Bạn thuê ăn uống và nghỉ ngơi qua đêm tại đây hoặc di chuyển luôn sang xã Nhân Hậu, Lý Nhân.
Tại Nhân Hậu, có các cơ sở kho cá niêu đất nổi tiếng, kết hợp cho khách nghỉ ngơi qua đêm để học công thức kho cá. Bạn có thể liên hệ một số điểm sau:
- Cá Kho Hoàng Thơ – Điện thoại 0168 692 7501
- Cơ sở Trần Bá Luận: xóm 1, Hòa Hậu, Lý Nhân – Điện thoại 0987 989 358
- Cá Kho làng Vũ Đại: Xóm 11, Hòa Hậu, Lý Nhân – Điện thoại 091 508 51 51
- Cá kho Nhân Hậu – Điện thoại: 096 798 87 88
Ngày 2: Tham quan Nhà Bá Kiến, nhà tưởng niệm Nam Cao, học làm cá kho
Sáng – trưa: Sau khi ăn sáng, bạn có thể học làm món cá kho.
Chiều: 13:30: Tham quan Nhà Bá Kiến, khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao
15:00 Di chuyển ngược theo đường về Hà Nội tham quan chùa Long Dọi Sơn, vãn cảnh chùa
16:30:Trở về Hà Nội
Một số lưu ý du lịch Hà Nam
– Buổi tối ở thành phố Phủ Lý không có nhiều quán ăn. Do vậy du khách nên dành thời gian tìm kiếm từ sớm.
– Các điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nam nằm rải rác ở nhiều nơi. Vì thế, bạn cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo tham quan được đầy đủ các địa điểm.
LỜI KẾT: Cảm ơn bạn đã đọc bài chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Hà Nam của tôi. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm cung đường, thuê xe, ăn ngủ nghỉ, hãy bình luận trực tiếp trong bài này. Tôi sẽ tư vấn và chỉ dẫn các bạn nhiệt tình.
Nếu thấy thích thì LIKE hay thì SHARE bài viết này. Đây sẽ là lời động viên và ủng hộ tôi trong những bài viết sau.