Hà Giang 5 ngày 4 đêm – Hành trình trở về

Mình là Cỏ, năm nay 26 tuổi. Một người đam mê dịch chuyển. Mình mê tít Hà Giang. Mình đã đến Hà Giang rất nhiều lần, và từ lần thứ hai trở đi, cảm giác đều giống như là trở về.

Tháng 11 vừa rồi, nhân chuyến công tác ra Bắc, mình lại tranh thủ phi lên Hà Giang. Với mình, cái tên “Cao nguyên đá” chưa bao giờ vơi đi niềm thôi thúc. Lần đầu tiên mình chạm tạy vào Hà Giang là vào những ngày đông mưa phùn rét mướt cách đây hai năm. Mình muốn đến Đồng Văn nhưng lại lạc đường. Thoát ra khỏi đám sương mờ ảo, trước mặt chỉ toàn đá núi, vài ngôi nhà cheo leo trên vách đá, hay, co cụm dưới những gốc sa mộc, hoàn toàn không giống những bức ảnh mình đã xem. Mình cứ đứng ngắm mãi, cảm giác thân thuộc, ấm áp lạ lùng, cho đến tận khi trời ngả về chiều, mới vội vã quay ra tìm đường chính. Tối đó, lo sợ vì chỉ có một mình nơi biên viễn, mình nắm chặt con dao bấm trong tay rồi mới leo lên giường. Về sau, mình cứ hối hận mãi, Hà Giang tốt với mình vậy, sao mình cứ lấy dạ tiểu nhân để mà nghi kỵ?

Hà Giang ngày trở về 5 ngày 4 đêm

Sau chuyến đó, mình cứ trở đi trở lại Hà Giang bất cứ khi nào có cơ hội. Ban đầu là 2, 3 ngày, rồi 4 ngày, rồi cứ thế, chuyến sau dài hơn chuyến trước. Có đợt, mình đã ở đây hơn một tuần. Lần này, vì công việc, nên mình chỉ có 5 ngày ở miền đá mà thôi.

Ngày 1: Hưng Yên – Thành phố Hà Giang

Sáng, mình thức dậy trong căn phòng nhỏ, trên tầng ba của ngôi nhà quen thuộc sát quốc lộ 5. Bên ngoài cửa sổ, bầu trời phủ một màu ảm đạm. Mình co người trong chăn, cố vớt vát chút hơi ấm. Ngoài kia, gió mùa đã về. Ôm một đống đồ lỉnh kỉnh xuống cầu thang, cửa chính vừa mở ra, mình chỉ muốn quay ngược lên tầng. Cậu bạn phì cười, nhìn bộ dạng chẳng khác gì gấu mẹ vĩ đại của mình.
Trời bên ngoài rất lạnh, làm mình nhớ Hà Giang da diết. Bạn bè trong Nam hay hỏi mình sao mà cứ đi miết một chỗ vậy, không chịu đi tỉnh khác. Mình chỉ cười. Người ta đến Hà Giang vì muốn ngắm đào mận khoe sắc, muốn thăm tam giác mạch hồng tươi, hay đi theo hương lúa chín. Với mình, Hà Giang chỉ đơn thuần là đá và đá. Đá ven đường, đá bên sườn núi, những đỉnh sắc nhọn sừng sững đâm thẳng lên bầu trời. Những đôi chân trần nứt toác, những gò má hây hây sương lạnh. Cái màu đá xám ngắt ấy bốn mùa vẫn vậy, bền gan từ năm này sang năm khác, chễm chệ trong lòng mình. Hoa có thể tàn, nhưng đá thì không.
Đường từ Hưng Yên đến thành phố Hà Giang ngang qua Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang khá dễ đi. Đường lớn, mặt đường đẹp, qua nhiều khu dân cư. Mình dừng ở Phú Thọ, khá khó khăn trong việc chọn quán ăn trưa vì nhìn đâu cũng chỉ thấy thịt chua và bún chó. Sau 8 giờ chạy xe, đến 6h chiều, mình có mặt ở Homie Hostel (171A Nguyễn Trãi, điện thoại liên hệ 0973712498 hoặc 01234566622), thành phố Hà Giang, ăn một bữa cơm ấm cúng do các anh chị ở đây nấu, rồi chui vào “tổ ong”, ngủ ngon lành.

Ngày 2: Thành phố Hà Giang – Yên Minh

Mình thức dậy khá muộn, lại nấn ná ăn trưa cùng các anh chị ở Homie, thành ra, 2h chiều mới bắt đầu xuất phát. Quốc lộ 4C với mình chẳng còn gì xa lạ, cứ vừa đi vừa nhẩn nha. Mình thuộc đến từng cái ổ gà, viên đá trên đường đi. Này là Bắc Sum, kia là Quản Bạ. Qua cầu Cán Tỷ, mình ghé vào làng dệt Lùng Tám. Ngắm hai hàng đào bên đường đi, mình tự nhủ , mùa xuân ở đây đẹp phải biết.


Quay ra khi đã gần 5h chiều, mình không chọn đường cũ mà quyết đi theo đường cổng thành Cán Tỷ. Con đường đang làm lầy lội dưới mưa, rào chắn đoạn có đoạn không. Tới gần 5h30, sương mù dày đặc trời tối rất nhanh, mình gần như không nhìn thấy đường đi, dù đèn xe đã là đèn phá sương. Mình tông vào một đống cát do đội thi công để lại và cảm thấy bản thân cực kỳ may mắn. Sau đống cát ấy là vực thẳm.


Mình tới Yên Minh lúc 6h30, lạnh cóng, và sợ. Đây cũng coi như một bài học cho mình. Đường lạ, sương mù và bóng tối, đây đều là những “đặc sản” vùng cao mà không ai được phép coi thường.
Tối đó, ở Tom Homestay Yên Minh (điện thoại đặt chỗ 01639470571), mình được ăn một bữa no nê, có cả thịt gác bếp, rượu mật ong, rượu chuối tự nấu, và cả rượu do các bạn Czech mời. Tiếng cười rôm rả quanh mâm cơm với đủ thứ ngôn ngữ khắp thế giới khiến mình ấm lòng.

Ngày 3: Yên Minh – Phó Bảng – Lao Xa – Đồng Văn

Mình ăn hết phần ăn sáng với bánh và trứng, lại được mời thêm một tô bún xương to ơi là to. Tất cả chỉ hết có 30.000 đồng. Thấy thương cô chủ homestay gì đâu.
Mình bắt đầu đi về Phó Bảng, rất thong dong chậm rãi. Mình có nhiều thời gian mà, không việc gì phải vội. Trời vẫn lạnh và mưa rả rích suốt.


Phó Bảng với mình luôn là nơi rất đẹp, và có chút man mác. Đứng trên con đèo dẫn ra cửa khẩu, nhìn bản nhỏ dưới thung xa, lúc nào cũng cảm giác cô độc đến lạ lùng. Phó Bảng cũng là nơi lạnh nhất cao nguyên đá, lạnh hơn cả Đồng Văn.


Bịn rịn chia tay Phó Bảng, mình ghé vào Lao Xa. Con đường nhỏ vắt ngang đầu núi, lở loét thương tích. Từ đây, nhìn xuống quốc lộ 4C, cả Sủng Là, Cẩm Lũy, sao mà thương đến lạ.


Tối đó, mình run lẩy bẩy bên nồi lẩu nóng hổi, rồi cuộn mình trong chăn ở ngôi nhà cổ to đẹp nhất Đồng Văn (Nhà Cổ homestay, số điện thoại 01688120866).
Nhà đây rồi. Mình đã trở về rồi này.

Ngày 4: Thượng Phùng

Mình dành cả buổi sáng chỉ để loanh quanh, ngó nghiêng từng ngóc ngách của căn nhà. Mỗi góc nhỏ đều ám màu thời gian. Được nói chuyện với chú Thân chủ nhà, lại càng thấy yêu Hà Giang nhiều hơn. Hà Giang qua ảnh chú đượm thắm tình, không chỉ là đá là hoa vô hồn như hàng trăm hàng ngàn bức ảnh nhan nhản ngoài kia.


Qua trưa, mình băng Mã Pì Lèng, không sang Mèo Vạc mà rẽ vào Pả Vi, chạm đến tận đáy Tu Sản, vốc từng vốc nước Nho Quế mát lạnh mà rửa mặt. Mình lại leo hết những con dốc hun hút, hé môi chào Thượng Phùng. Nơi mình đứng có rất nhiều sa mộc, và cao hơn tất thảy những đình núi. Mình ngắm lũ trẻ đi học về, lũ trâu lững thững nhởn nha, rồi quay ra.


Tối đó, mảnh trăng khuyết vắt vẻo trên Mã Pì Lèng sáng đến lạ. Mùi thịt nướng giữa cái rét tê tái dường như cũng thơm hơn, da diết lòng.

Ngày 5: Chia tay

Mình rời Đồng Văn, chạy về Mèo Vạc, ngang Khau Vai trùng điệp đá tai mèo nhọn sắc, về Cao Bằng, rồi quay lại điểm xuất phát, khép một vòng tròn vừa khít. Lời chia tay này chỉ là tạm thời thôi, mình sẽ còn quay lại rất nhiều lần nữa, chắc chắn như vậy.
Hà Giang cứ ở yên đó đợi mình, nha.

Chi phí cho chuyến đi phượt Hà Giang 5 ngày của mình

  • Mình mượn xe của bạn nên tiết kiệm được một khoản kha khá tiền thuê xe. Nếu bạn thuê thì giá trung bình là 200k/ngày, chi phí cho 5 ngày là 1 triệu đồng.
  • Tiền xăng: 80k/ngày
  • Chi phí ăn uống cho 5 ngày, kể cả những bữa lẩu, nướng “sang chảnh”: 800k
  • Hostel, homestay: 450k

Tổng “thiệt hại” 2,650 triệu.

Những điều cần lưu ý phượt Hà Giang:

  • Cuối năm, Hà Giang nói riêng và miền Bắc nói chung rất lạnh, các bạn cần chủ ý giữ ấm và giữ cho bản thân mình khô ráo. Mình mặc một chiếc quần legging dày để giữ ấm, rồi thêm chiếc quần hoa, bên ngoài là chiếc quần nhanh khô. Bên trên là một chiếc áo thun, lại đến lớp áo giữ nhiệt, rồi áo dạ, khoác ngoài là chiếc áo gió The Northface. Sau cùng, mình mặc áo mưa bộ. Chân được bảo vệ bởi đôi giày thể thao và tất nilon bao bên ngoài. Mình đeo găng tay cao su (gần giống loại rửa chén) ra bên ngoài một đôi găng dày, rồi khởi hành.
  • Nên đến được chỗ nghỉ trước 5h chiều. Vào mùa đông, trời tối rất nhanh và hay có sương mù dày đặc, sẽ rất khó khăn cho việc di chuyển, nhất là đối với những bạn đi một mình.
  • Đổ xăng bất cứ khi nào bình xăng đã vơi một nửa và bạn nhìn thấy trạm xăng, vì bạn sẽ không biết bao giờ mới lại có trạm xăng tiếp theo.
  • Ăn đúng bữa, hoặc mang theo thức ăn nhẹ, vì qua giờ ăn, sẽ chẳng còn tiệm nào bán đồ ăn cho bạn.

About Thảo Nguyên Lê Bùi

Xin chào! Mình là Cỏ. Mình được đào tạo để trở thành tim và phổi của người khác. Việc đó rất thú vị, nhưng, đôi khi nó khiến chính bản thân mình thấy khó thở. Vậy là, mình chọn “đi”. Mình lang thang khắp nơi, lên rừng xuống biển, một mình có, hai mình cũng có, nhưng hiếm khi nào là nhiều mình. Mình hít hà mùi hoa dại, tắm mình trong sương sớm, rồi lại để nắng hong khô. Mình yêu từng cen-ti-mét đất trên dải đất hình chữ S này. Đi, ngắm nhìn, cảm nhận, và chia sẻ. Mình thích chụp ảnh và viết lách, để ghi lại từng khoảnh khắc tươi đẹp mình đã có, rồi kể cho bạn bè mình nghe, cho cả những người chư a bao giờ gặp. Mình muốn đem những vùng đất, con người mình gặp đến bên gối ngủ của người khác. Cứ như vậy, như vậy, cho đến giờ, mình vẫn thích được gọi bằng cái danh xưng “Người kể chuyện”.

LIKE ĐI BẠN ƠI