Chùa đẹp ở Việt Nam tại miền Bắc, miền Trung, miền Nam? Du xuân đầu năm nên đi chùa nào để cầu bình an, may mắn? Những ngôi chùa linh thiêng nhất cả nước bạn nên biết? Tất cả sẽ được Viettravelo giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!
Xem thêm: Mách bạn 14 lễ hội lớn đầu năm để cầu bình an, may mắn
Mục Lục
Những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam tại miền Bắc
Miền Bắc có khá nhiều ngôi chùa đẹp, nổi tiếng. Song được biết đến nhiều hơn cả nhờ cảnh sắc thanh bình, cổ kính như là chùa Bổ Đà, Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Dâu, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột…
Chùa bổ Đà – Ngôi chùa độc đáo và cổ kính vùng kinh Bắc
Chùa Bổ Đà (hay gọi như người địa phương là chùa Bổ) xưa có tên là Quan Âm tự. Ngôi chùa nằm trên lưng chừng núi Bổ Đà ở bờ Bắc sông Cầu, thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Bổ Đà ngôi chùa độc đáo cổ kính nhất vùng Kinh Bắc
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), Chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ.
Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam. Đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại, xung quanh là đồi núi xóm làng bao bọc.
Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm ba khu rõ rệt:
- Khu vườn: 31.000m2
- Nội tự chùa 13.000m2
- Khu vườn tháp rộng 7.784m2
Kiến trúc của chùa gần một trăm gian liên hoàn được xây dựng bằng các vật liệu dân gian: gạch nung, ngói, tiểu sành, tường bao được làm bằng đất rất độc đáo. Các bức tường, cổng và một số công trình khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối tường trình.
Chùa Vĩnh Nghiêm Bắc Giang – Chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm
Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang còn được gọi là chùa Đức La. Đây là nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 1964, chùa được xếp hạng là di tích Lịch sử – Văn hoá cấp Quốc gia.
Tương truyền chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Ba vị Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây, nên chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Vì vậy mà trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”
Chùa hiện có 7 khối kiến trúc chính:
- Cổng tam quan
- Toà tiền đường
- Thiêu hương
- Thượng điện
- Nhà tổ đệ nhất
- Gác chuông
- Nhà tổ đệ nhị
- Hai dãy hành lang đông tây
- Khu vườn tháp
Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như:
- Hệ thống tượng phật
- Các bia đá
- Hoành phi, câu đối
- Đồ thờ…
Đặc biệt kho Mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2012.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới tham quan. Lễ hội này cũng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2013).
Chùa Yên Tử
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành để tìm đến sự thanh tịnh sau khi truyền ngôi và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo.
Mọi người truyền tai nhau là ai đi chùa Yên Tử ba năm liền liên tiếp sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Và mọi người thường trọn đường leo bộ để thể hiện sự thành tâm (thay bằng cáp treo). Ở Yên Tử có lễ hội Xuân, thường được tổ chức hàng năm bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Xem thêm:Leo núi Yên Tử Hành trình chinh phục bản thân
Chùa Dâu – ngôi chùa cổ nhất Việt Nam
Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi Chùa còn có tên gọi khác là Diên Ứng, Cổ Châu hay Pháp Vân. Theo một số tài liệu, chùa Dâu được xây dựng vào năm 187 và hoàn thành năm 226. Đây được coi là ngôi chùa có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam.
Dưới triều vua Trần Anh Tông năm 1313, chùa Dâu được Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi tu bổ thành chùa 100 gian, tháp 9 tầng (nay chỉ còn 3 tầng dưới), cầu 9 nhịp và được tu sửa nhiều lần sau đó. Ngày nay, chùa Dâu mang kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Chùa có bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính. Đó là tiền điện, thiêu hương và thượng điện.
Về tín ngưỡng, chùa Dâu thờ Tứ pháp, gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Đây là một hệ thống thờ tự độc đáo mang đặc trưng của dòng thiền xứ Kinh Bắc cổ xưa.
Năm 2013, chùa Dâu đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngoài tên Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông, chùa còn có tên là Khai Quốc (thời Lý Nam Đế), chùa Trấn Bắc (thời vua Minh Mạng). Không chỉ là một trong những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam, chùa Trấn Quốc còn được báo Daily Mail (Anh) chọn là một trong 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới.
Kết cấu chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu hương và thượng tạo thành hình chữ công (工). Trước mặt tiền chính có lư hương lớn ở giữa để du khách và Phật tử đến dâng hương. Năm 2003, chùa khánh thành thêm Bảo tháp Lục độ đài sen. Bảo tháp này cao 15m, có 11 tầng, mỗi tầng có 6 bức tượng đức Phật A Di Đà trắng bằng đá quý, trên đỉnh có một tháp sen cũng được tạc bằng đá.
Chùa Trấn Quốc là điểm đến của không ít người yêu thích không gian trầm mặc an nhiên. Năm 1989, chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Một Cột – biểu tượng của thủ đô
Nhắc tới những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam, không thể không nhắc tới chùa Một Cột – biểu tượng của Hà Nội. Chùa còn có tên là Liên Hoa đài, Diên Hựu hay chùa Mật. Ngôi chùa tọa lạc tại quận Ba Đình (gần lăng Bác).
Chùa Một Cột nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, như một bông hoa sen từ mặt nước vươn lên. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chùa được xây dựng vào năm 1049, đời vua Lý Thái Tông.
Hiện nay, chùa Một Cột có hình vuông, mỗi chiều 3m, mái cong. Điểm đặc biệt nhất trong kiến trúc của chùa Một Cột là toàn bộ ngôi chùa được đặt trên một cột đá hình trụ. Cột đá này có đường kính là 1,2m, cao 4m (chưa tính phần chìm dưới đất).
Năm 1962, chùa Một Cột được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2006, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á cho chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất.
Chùa Hương
Chùa Hương là cách nói trong dân gian. Trên thực tế chùa Hương hay Hương Sơn là cả một quần thể văn hóa – tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình, thờ tín ngưỡng nông nghiệp. Chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, nằm ven bờ phải sông Đáy. Trung tâm của cụm đền chùa tại vùng này chính là chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn gọi là chùa Trong.
Lễ hội chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Cao điểm của lễ hội là từ Rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch.
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến, có 4 tuyến hành hương:
– Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
– Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
– Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
– Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Chùa Thầy
Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ, nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Ngôi chùa cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Đinh. Đây từng là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích.
Lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào ngày 5/3 âm lịch. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội, các tăng ni phật tử, du khách từ khắp nơi trong vùng cùng về đây dự lễ, vãn cảnh, dâng hương khấn Phật, cầu duyên…
Chùa Bái Đính – ngôi chùa giữ nhiều kỷ lục châu Á
Nằm ở cửa ngõ phía Tây cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính nằm tại xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn cách thành phố Ninh Bình 15 km. Đây là một quần thể chùa gồm một ngôi chùa cổ và một ngôi chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa cổ trầm mặc tĩnh lặng và linh thiêng. Trong khi đó, chùa mới hoành tráng đồ sộ nhưng vẫn mang đậm bản sắc truyền thống.
Bái Đính là ngôi chùa nắm giữ nhiều kỷ lục của Việt Nam và châu Á như:
- Chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam
- Chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á
- Có nhiều tượng La Hán nhất châu Á
- Chùa có tượng Phật Di Lặc lớn nhất châu Á
Xem thêm: Du lịch Tràng An, Bái Đính – Check-in tiểu Vạn Lý Trường Thành ở Ninh Bình
Chùa Keo Thái Bình – bảo tàng nghệ thuật cổ
Chùa Keo nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ngôi chùa có tên chữ là Trần Quang Tự, được xây dựng từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632. Trải qua gần 400 trăm năm tồn tại, chùa Keo một trong những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam với lối kiến trúc thời Lê được bảo tồn hầu như nguyên vẹn.
Hiện nay, chùa Keo có tất cả 17 công trình gồm 128 gian xây dựng theo kiểu “Nội công ngoại quốc”. Đặc biệt, gác chuông của chùa được đánh giá là một kỳ công về mặt nghệ thuật kiến trúc. Gác gồm 3 tầng, cao 11,50m, mỗi tầng treo một quả đại hồng chung. Bộ mái của gác chuông có kết cấu gần 100 đàn đầu voi, thực sự là viên ngọc quý trong gia tài kiến trúc Việt Nam. Bộ cánh cửa chạm rồng là bộ cửa độc đáo của đất nước.
Ngoài kiến trúc cổ, chùa còn lưu giữ được nhiều di vật và đồ thờ quý giá. Đó là Đại hồng chung đúc từ đời Lê, đôi lọ sứ Bát Tràng, bàn hương án… Có thể nói Chùa Keo là một bảo tàng nghệ thuật đầu thế kỷ XVII, với nhiều kiệt tác đặc sắc.
Chùa đẹp ở miền Trung
Du xuân vãn cảnh miền Trung dịp đầu năm mới, bạn đừng quên ghé thăm chùa Thiên Mụ và chùa Linh Ứng Sơn Trà – hai ngôi chùa nổi tiếng nhất ở dải đất nắng gió này.
Chùa Thiên Mụ – ngôi chùa đẹp nhất xứ Huế
Còn được biết đến với tên gọi Linh Mụ, chùa Thiên Mụ cũng là một trong những ngôi chùa đẹp ở Việt Nam. Không chỉ đi vào những bài thơ lãng mạn của xứ Huế mà còn trong cả câu ca, Thiên Mụ cũng được coi là một ngôi chùa linh thiêng mà mọi du khách không nên bỏ qua khi đặt chân đến thủ đô cổ xưa này.
Chùa Thiên Mụ nằm ở đồi Hà Khê, thuộc phường Kim Long, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Chùa được được xây dựng vào năm 1601 bởi chúa Tiên Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong. Đây cũng được coi là ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Xem thêm: Đúc kết kinh nghiệm du lịch Huế tự túc, phượt Huế từ Thổ Địa
Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà
Tọa lạc tại một ngọn núi trên bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng không chỉ là một ngôi chùa đẹp ở Việt Nam mà còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. Chùa nằm ở độ cao 693m so với mực nước biển, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía Đông Bắc. Chùa có hướng nhìn ra biển Đông, một bên là đảo Cù lao Chàm, phía bên kia là ngọn Hải Vân, phía còn lại là dòng sông Hàn yên ả đang đổ về cửa biển.
Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa lớn và trẻ nhất trong 3 ngôi chùa “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, chùa Linh Ứng Sơn Trà còn được đánh giá là ngôi chùa đẹp nhất ở Đà Nẵng. Không chỉ vậy, chùa còn nổi tiếng nhờ có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam. Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát có chiều cao 67m, đường kính tòa sen 35m. Tượng đứng tựa lưng vào núi mặt hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ. Bên trong bức tượng Phật Bà Quan Thế Âm có 17 tầng. Mỗi tầng đều đặt 21 tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt khác nhau.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Nẵng đúc kết từ Thổ Địa
Những ngôi chùa đẹp, nổi tiếng ở miền Nam
Vùng đất Nam Bộ được biết đến với những ngôi chùa linh thiêng, cổ kính. Trong đó, nổi tiếng linh thiêng và có phong cảnh đẹp là:
- Chùa Giác Lâm
- Chùa Vĩnh Nghiêm
- Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
Chùa Giác Lâm
Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của TP HCM, là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam. Chùa do cư sĩ Lý Thụy Long quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm 1744, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ngoài tên Giác Lâm, chùa còn có tên gọi khác là Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm.
Chùa được xây theo kiến trúc hình chữ “Tam” gồm chánh điện, giảng đường và nhà giám trai. Hai bên chánh điện là 2 bộ Thập Bát La Hán (bộ lớn và bộ nhỏ). Trong chùa Giác Lâm hiện nay lưu giữ 133 pho tượng. Tất cả đều được làm bằng danh mộc và được sơn son thếp vàng. Bên cạnh đó, các bộ bao lam, bàn ghế, bài vị… cũng đều được chạm khắc rất tinh xảo.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở TP HCM. Chùa được sáng lập bởi hai hòa thượng người miền Bắc là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm. Năm 1964, chùa được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành vào năm 1971.
Chùa Vĩnh Nghiêm có tổng thể kiến trúc gồm tam quan, tòa nhà trung tâm và các Bảo tháp. Đặc biệt, tháp đá Vĩnh Nghiêm được ghi nhận là tháp đá cao nhất, công phu nhất tại Việt Nam. Tòa tháp cao tới 7 tầng (14m), thờ cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm.
Theo đánh giá, chùa Vĩnh Nghiêm là một trong số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ 20.
Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt
Là một trong ba thiền viện lớn của Việt Nam theo phái Trúc Lâm Thiền viện, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt nằm trên ngọn đồi Phụng Hoàng tuyệt đẹp, cạnh Hồ Tuyền Lâm thơ mộng.
Với không gian thanh tịnh, kết hợp vườn hoa đa sắc hương các loài quý hiếm, Hồ Tuyền Lâm nên thơ, núi đồi hùng vĩ, Thiền viện trở thành một địa điểm thu hút đông đảo phật tử và khách du lịch thăm viếng hàng năm.
Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt đúc kết từ Thổ Địa
Viettravelo.com