Mình là Tony Hải Admin của Thổ Địa Du lịch ở Hà Giang. Trong bài viết này mình chia sẻ kinh nghiệm du lịch Hà Giang tự túc với lịch trình phượt Hà Giang 2 ngày cuối tuần do mình đúc kết lại sau nhiều chuyến du lịch Hà Giang của mình.
Có thể nói Hà Giang là nơi nhất định bạn phải đến một lần trong đời, nơi mà các phượt thủ rủ nhau đi mãi mà không biết chán, nhớ nhung mỗi khi trở về. Vậy du lịch Hà Giang bao nhiêu ngày là đủ, phù hợp để đi hết các địa điểm du lịch ở Hà Giang hot nhất? Theo kinh nghiệm của mình thì du lịch Hà Giang khoảng 3 ngày là vừa đủ. Thế nhưng trong bài này mình xin chia sẻ kinh nghiệm du lịch Hà Giang chỉ với 2 ngày cuối tuần tiết kiệm.
Mục Lục
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang chỉ với 2 ngày
- Chọn 2 ngày cuối tuần, khởi hành từ tối thứ 6
- Đi xe khách lên Hà Giang và thuê xe máy ở Hà Giang. Thuê xe máy bạn có thể alo cho anh Hải 0936345111. Nhà anh Hải xe khá mới đi nên bạn có thể yên tâm. Ở đây cũng có chỗ ngủ miễn phí hỗ trợ cho anh em đi phượt. Bạn đọc mã Viettravelo.com để giảm giá thuê từ 200K/ngày còn 180K/ngày nhé. Xe khách thì bạn đặt ở Hải Vân gọi số 0243 8 71 71 71. Xe khởi hành lúc 20h ở bến xe Mỹ Đình, Hà Nội. Hoặc bạn liên hệ với chị Huế, số điện thoại là 0936 788 279 bên nhà xe Ngọc Cường để đặt xe xe Limousine, khởi hành lúc 16h (giá 250K/chiều).
- Bạn nên đặt vé xe, xe máy trước khi đi khoảng 1 – 2 tuần nếu vào tháng du lịch của Hà Giang (thường là tháng 10, tháng 11).
- Để lưu trú ở Đồng Văn, bạn có thể đặt phòng tại Lý Hoan Guest House, Lâm Tùng Hotel hoặc nếu ngủ homestay nhà cổ thì có thể qua nhà chú Thân.
- Bạn nên mặc quần áo đủ ấm, nhất là các bạn ở phía Nam ra nên chuẩn bị từ trước. Nếu mới đi Hà Giang lần đầu, bạn nên lựa chọn cung phía bắc Hà Giang, tức đi Đồng Văn, Lũng Cú. Còn lần sau, bạn có thể lựa chọn cung Hoàng Su Phì hoặc Chiêu Lầu Thi.
Lịch trình du lịch Hà Giang 2 ngày 3 đêm
Đêm 1: Hà Nội – Hà Giang (đi xe giường nằm)
Thông thường, các bạn đi làm sẽ được nghỉ bắt đầu từ tối thứ 6. Vì vậy để tiết kiệm được thời gian, bạn nên bắt một chuyến xe khách giường nằm lên Hà Giang ngay tối hôm đó. Đối với các bạn vẫn phải làm thêm sáng thứ 7 thì giải pháp tốt nhất là nên xin nghỉ buổi sáng hôm đó. Nếu xin nghỉ được sớm hay sắp xếp đi được tuyến Limousine lúc 16h thì đến Hà Giang lúc 21h. Bạn nghỉ ngơi được 1 đêm ở Hà Giang, sáng hôm sau khởi hành đi cao nguyên đá sẽ khỏe hơn (gần đây, mình hay lựa chọn cách này). Tới Hà Giang, bạn có thể chọn ngủ ở một số homestay như Tày Homestay (gọi anh Phớn 0987 067 024 bảo bạn Hải bên Viettravelo.com sẽ được ưu đãi tốt nhất). Ngoài ra, bạn cũng có thể nghỉ tại Jasmine Hostel (cách bến xe 200m) với giá chỉ 70K/đêm (nghỉ giường tầng). Liên hệ 0974205994 – Ms.Thủy.
Trong trường hợp bạn muốn đi xe máy của mình thì có thể mang xe ra bến và gửi lên xe khách. Giá gửi xe khoảng 200-250K/chiều. Theo mình, nếu bạn lựa chọn lịch trình 3 ngày trở lên hoặc đi xuyên cung Đông Bắc từ Hà Giang sang Cao Bằng thì mới nên gửi xe. Vì dịch vụ thuê xe trên Hà Giang bây giờ khá nhiều và chất lượng xe cũng khá ổn, hầu hết là các xe mới được cho thuê.
Ngày 1: Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Sủng Là – Lũng Cú – Đồng Văn ( đi bằng xe máy)
Điểm tham quan du lịch Hà Giang ngày 1:
- Cột Mốc Số 0km Hà Giang
- Dốc Bắc Sum
- Cổng trời Quản Bạ – núi đôi Cô Tiên (2 điểm này nằm chung một chỗ, dừng tại điểm dừng Cổng Trời)
- Đôi bờ Sông Miện
- Đồi thông Yên Minh
- Dốc Thẩm Mã
- Nhà của Pao (thung Lũng Sủng Là)
- Nhà Vương (dinh thự Vua Mèo)
- Cột Cờ Lũng Cú
- Phố cổ Đồng Văn
Sáng sớm: Khoảng 3 rưỡi, 4h là xe đến bến Hà Giang. Bạn có thể lựa chọn ngủ tiếp trên xe tới sáng hoặc vào các hostel gần bến để nghỉ. Lời khuyên của mình thì nên vào các hostel nghỉ, vừa thoải mái và có chỗ vệ sinh cá nhân thuận tiện. Bạn có thể qua Jasmine Hostel ở phường Lâm Đồng. Bạn đặt trước giá hỗ trợ cho 1/2 buổi sáng là 40K/người (đọc mã Viettravelo.com để nhận ưu đãi). Ngoài ra, ở đây cũng cho thuê xe máy với giá là 200K/ngày, giảm 10% nếu bạn đọc mã Viettravelo.com khi thuê.
Sáng: 6h00: Dậy vệ sinh cá nhân, lấy xe máy, đổ xăng, ăn sáng và xuất phát hành trình khám phá cao nguyên đá.
Ăn sáng ở TP. Hà Giang:
- Ăn phở: Bạn nên qua gần Mốc số 0 km quán phở Nghĩa. Quán này phở khá ngon, giá mỗi tô là 30K)
- Bánh cuốn ở gần Cầu Trắng
- Ăn bún vịt làng ở bản Tùy. Bún vịt làng là đặc sản của Hà Giang – quán lại nổi tiếng lâu đời, sợi bún làm thủ công nguyên chất, ăn rất ngon và thơm nên mình hay chọn ăn sáng ở địa điểm này.
Nếu bạn chọn vào bản Tùy ăn sáng thì đừng quên ghé qua điểm check-in đầu tiên không thể bỏ qua khi đến Hà Giang là cột mốc số 0km nhé.
Cột Mốc km0
Sau khi ăn sáng và check-in mốc số 0 xong bạn từ TP. Hà Giang bạn chạy theo QL4C đi về hướng Bắc đi Đồng Văn. Đi khoảng 30km thì bạn dừng nghỉ chân ở trên dốc Bắc Sum.
Dốc Bắc Sum
Dốc Bắc Sum là một ngọn đèo dài đầu tiên mà bạn phải vượt qua trên hành trình khám phá cao nguyên đá. Nó bắt đầu từ xã Minh Tân và trải dài cho đến cuối xã Quyết Tiến. Vượt qua dốc Bắc Sum, đứng lại đỉnh dốc và ngắm nhìn lại con đường mà bạn đã đi qua, bạn sẽ thấy vô cùng tự hào (nhất là với các phượt thủ xe máy). Nhìn từ trên đỉnh núi, dốc Bắc Sum mang hình ảnh của một chú rắn khổng lồ. Chú rắn trườn dài trên vùng núi cao Tây Bắc để tìm đến những vùng đất mới nhiều bí ẩn, một không gian văn hóa truyền thống và đậm đà bản sắc.
Núi đôi cô tiên – Cổng Trời
Sau khi vượt qua Dốc Bắc Sum, điểm dừng nghỉ chân tiếp theo là Núi Đôi Cô Tiên – Cổng trời, cách dốc Bắc Sum hơn 10km đường đèo.
Ở đây có điểm dừng chân khá rộng rãi. Mình thường nghỉ lại và uống một ly cafe, nạp năng lượng cho hành trình tiếp theo.
Đôi bờ Sông Miện
Từ trên đỉnh Cổng Trời bạn xuôi dốc xuống thị trấn Tam Sơn, đi tiếp hơn 10km là tới Cán Tỷ. Tại đây bạn sẽ cảm nhận được một Hà Giang khác – non nước hữu tình bởi đôi bờ Sông Miện.
Sông Miện nằm ngay quốc lộ 4C, thuộc xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Địa danh này gắn liền với truyền thuyết về núi đôi Quản Bạ. Theo đó, nước mắt khóc thương chồng con của nàng Hoa Đào đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt mát lành. Từ bao đời nay, dòng sông vẫn hiền hòa chảy, đem lại no ấm cho những bản làng.
Rừng thông Yên – Đà Lạt thứ hai ở cực Bắc của Tổ quốc
Sau khi rời Sông Miện, bạn sẽ đến huyện Yên Minh và băng qua đồi thông Yên Minh. Yên Minh cách Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc, đường 4C chạy từ Cán Tỷ lên tới trung tâm phố huyện ngang qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải. Ở phía Yên Minh, núi vẫn xanh và thông mọc khắp lưng chừng trời, tràn thung lũng, một màu xanh xanh, mát mắt. Đây là địa điểm phù hợp cho các đoàn phượt nghỉ ngơi. Có người ví nơi này như một rừng thông Đà Lạt thứ hai ở cực Bắc của Tổ quốc.
Đến đây, mình hay dừng nghỉ chân nghỉ tay một lát để ngắm cảnh, thư giãn sau một chặng đường băng đèo núi.
Trưa: 12h -13h: Nghỉ ăn trưa
Với lịch trình này, bạn nên dừng nghỉ chân ăn trưa ở Yên Minh. Ở Yên Minh mình hay ăn cơm ở nhà hàng Ngọc Anh ( sđt 0943 090 658, đối diện cây xăng Yên Minh, chếch 1 đoạn về phía Đồng Văn). Vì mình đi 2 người lại rơi vào mùa hè nên khá ít rau và sở trường của mình là rau muống luộc dầm sấu, măng xào, gà xào gừng nên mỗi suất rơi vào khoảng 120K. Đồ ăn ở đây làm khá ngon, giá cả hợp lý. Nếu các bạn đi vào mùa xuân, thu, đông, thì rau trên vùng cao khá nhiều đặc biệt là đậu Hà Lan, cải mèo… cá suối thì bạn không nên bỏ lỡ nhé.
Lưu ý: Nếu đi vào mùa lễ hội nhất là tháng 10, 11 và cuối tuần thì bạn nên gọi điện đặt trước nhé. Vì nếu đến muộn sẽ không còn chỗ.
Chiều: 13h30: Bạn tiếp tục hành trình khám phá cao Nguyên Đá. Đến đây bạn nhớ đổ xăng nhé. Cây xăng ngay gần quán cơm. Vì quãng đường còn lại khoảng hơn 60km nữa tính cả vào Lũng Cú nên đổ đầy bình lúc này là vừa đủ. Đi đèo vùng cao rất hao xăng. Bạn nào phanh chân hoặc tì ga để lên đèo thì nên mua thêm 1 chai xăng dự phòng hoặc thậm chí phải đổ xăng phụ khi đi trên đường nhé.
Dốc Thẩm Mã
Từ thị trấn Yên Minh, rẽ theo lối đi Đồng Văn bạn sẽ đi qua một con dốc uốn lượn quanh co chạy giữa hai dãy núi đá cao sừng sững. Đó chính là dốc Thẩm Mã, cánh cổng đưa bạn đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Có câu chuyện kể rằng ngày xưa người dân cho ngựa thồ hàng đi từ dưới chân dốc lên. Con ngựa nào mà lên đến đỉnh còn khỏe sẽ được giữ lại nuôi. Con nào yếu thở không ra hơi thì có chảo thắng cố đợi sẵn trên đỉnh. Đứng ở mỏm đá trên đỉnh dốc chụp xuống bạn sẽ có được tấm hình vô cùng ấn tượng, không lẫn với bất cứ con đường nào khác mà bạn đã từng qua.
Nhà của Pao – Thung Lũng Sủng Là
Từ Dốc Thẩm Mã đi thêm chừng 15km về hướng Đồng Văn bạn sẽ gặp thung lũng Sủng là – ngôi làng của người Mông trắng. Nơi đây có nhà của Pao – một trong những bối cảnh phim đạt giải cánh diều vàng “Chuyện của Pao”.
Nếu bạn đi vào thời điểm cuối thu đầu đông (cuối tháng 9- đầu tháng 11) thì Sủng Là cũng là nơi ngắm hoa tam giác mạch rất lý tưởng.
Đi giữa hoang mạc đá
Rời thung lũng Sủng Là bạn bắt đầu gặp cánh cổng cao nguyên đá Đồng Văn. Đến đây bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ và sừng sững giữa đất trời như thế.
Nhà Vương – Dinh thự vua mèo
Rời thôn Lũng Cẩm, băng qua hoang mạc đá, bạn sẽ đến với ngôi nhà cổ đặc biệt nhất ở Hà Giang – biệt thự của vua Mèo. Nằm giữa thung lũng Sà Phìn, đứng từ trên cao nhìn xuống, dinh thự vua Mèo bề thế, nguy nga. Ngôi nhà này nằm trên một quả đồi hình mai rùa, xung quanh được che phủ bởi những cây thông sa mộc cổ thụ đứng hiên ngang. Đây là một vị trí vô cùng lý tưởng.
Ông vua Mèo Vương Chính Đức là người từng cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Ông cũng được biết đến như ông trùm thuốc phiện ở Hà Giang. Dinh thự này được ông xây bằng đá và gỗ trong suốt 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương với 150 tỷ thời bây giờ. Một địa điểm không thể bỏ qua khi đi Hà Giang.
Khi ghé thăm nơi này, các bạn gái có thể tự mua cho mình một chiếc vương miện xinh xắn – “vương miện hoa đá”. Các bé ở đây rất dễ thương và khá vất vả. Bạn có thể dành chút thời gian trò chuyện và chụp một tấm hình lưu niệm cùng các bé. Mình tin chắc rằng đây sẽ là điều khiến các bạn sẽ nhớ nhung khi trở về.
Cột cờ Lũng Cú – Điểm cực Bắc của Tổ quốc
Rời nhà của Vương khoảng 27km, bạn sẽ đến điểm check-in vô cùng quan trọng trong ngày hôm nay đó là “Cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của tổ Quốc” – 1 trong 4 điểm cực mà các bạn trẻ đều muốn được đặt chân tới và tận tay chạm vào lá cờ tổ quốc và tự hào về quê hương đất nước.
So với 3 cực còn lại của Tổ quốc (Cực Nam ở xóm mũi Cà Mau; Cực đông ở Đầm Môn, Khánh Hòa; Cực Tây ở Apachai Điện Biên) thì cực Bắc là điểm cực dễ check nhất. Đường đi thuận lợi vào tận cột cờ. Và bạn cũng chỉ phải leo một ít bậc thang để lên.
Thường thì mình đến đây là sẽ đón được hoàng hôn. Nhưng lưu ý nếu các bạn mải chơi trên các điểm trên thì khó có thể vào cột cờ hoặc vào là sẽ bị trễ. Vì vậy, để check được điểm này, bạn cố gắng dừng lại các điểm trên phải đi ngắn một chút, hoặc bỏ 1-2 điểm dừng.
Lưu ý: Trên đường về Đồng Văn có đường đi tắt từ Lũng Cú nên bạn không cần phải rẽ ra ngoài QL 4C ban đầu vào đâu nhé. Đoạn này tiết kiệm được hơn 10km đấy. Giờ biển bảng chỉ dẫn họ làm cũng tốt chứ không như ngày xưa mình đi cứ phải mò mẫm. Đoạn rẽ cách Lũng Cũ khoảng 13km.
Phố cổ Đồng Văn
Điểm dừng chân cuối cùng của ngày là “Phố cổ Đồng Văn” – nơi được gọi là Hồng Kông của Cao Nguyên Đá trước kia.
Đêm 2: Phố cổ Đồng Văn
Nghỉ đêm ở Đồng Văn:
Đến với Đồng Văn thì bạn có nhiều lựa chọn nghỉ ngơi nhà nhà nghỉ, khách sạn và homestay. Khách sạn 3 sao duy nhất ở Đồng Văn là khách sạn Hoa Cương giá trung bình từ 700K-1,8 triệu/phòng.
Nhà nghỉ từ 200-400K phòng, homestay thì 100K/người. Nếu lựa chọn homestay thì bạn có thể qua Homestay nhà cổ của chú Thân 01688120866 ở ngay gần chợ). Mình thì hay lựa chọn ở nhà nghỉ và ở nhà nghỉ Lý Hoan, giá mỗi phòng 250K-300K (liên hệ chị Hoan 0973807175). Điểm cộng ở nhà nghỉ Lý Hoan thứ nhất là vợ chồng nhà này rất nhiệt tình và luôn mỉm cười. Nhiều lần mình đến do ít người, không tiện ra ngoài ăn cơm nên nhờ vợ chồng anh chị nấu cơm giùm. Hoặc khi nhà chị ấy hết phòng thì chị ấy cũng đi tìm nhà nghỉ xung quanh để đặt cho. Nếu đặt phòng ở đây, bạn nhớ đọc pass “bạn Hải bên thổ địa du lịch Viettravelo.com” để nhận ưu đãi còn 200K/phòng và hỗ trợ nhiệt tình nha.
Ăn tối: Ăn tối ở Đồng Vă,n bạn có thể lựa chọn ăn cơm, ăn lẩu… Nhưng do mình đã ăn cơm trưa ở Yên Minh rồi nên mình chọn ăn món đặc sản của Đồng Văn là lẩu dê núi. Nhà hàng ăn ngon và uy tín giá tốt là nhà hàng lẩu dê Ngọc Cừ, liên hệ anh Ngọc 01239127345 (nhớ đọc pass “bạn Hải” để được ưu đãi và đặt bàn tốt nhất). Nhà hàng anh ấy ở ngay đối diện cây xăng Đồng Văn.
Đến với cao Nguyên Đá Đồng Văn, bạn đừng quên “ăn lẩu dê và uống rượu ngô”. Vì nếu chưa thưởng thức hương vị đặc sắc này thì chưa hẳn đã đến Hà Giang đâu nhé!
Ăn vặt và dạo phố cổ Đồng Văn: Sau khi ăn tối xong thì lựa chọn đi bộ dạo quanh phố cổ Đồng Văn là trải nghiệm thật tuyệt vời. Khi ấy, cảm giác hơi rượu thơm nồng ấm trong người kèm cái se se lạnh của miền đá sẽ tạo nên một cảm giác đặc trưng không nơi nào có được. Khi thị trấn lên đèn, bạn sẽ thấy một Đồng Văn hoàn toàn khác, giống như một Hồng Kông thu nhỏ của miền đá với đầy đủ sắc màu rực rỡ.
Một số món ăn vặt đường phố không thể bỏ qua khi đi dạo là: Thắng dền, khoai, ngô nướng… Điều này cũng là điểm giúp bạn nhớ nhung khi trở về bởi những hương vị đặc trưng, nước thắng dền vừa ngọt có vị cay của gừng, và thơm của vừng bùi ngọt của hạt bánh trôi.
Bạn có thể lựa chọn cafe phố cổ Đồng Văn nếu bạn là người ghiền cafe hoặc thích trải nghiệm nhà cổ Đồng Văn vào buổi đêm. Hiện tại, quán cafe phố cổ Đồng Văn là một trong những nhà cổ còn tồn tại ở Phố Cổ Đồng Văn. Mình thì hay lựa chọn uống cafe vào buổi sớm.
Cuối cùng, sau một chặng đường dài vất vả – mệt, bạn nên về nghỉ sớm để giữ sức khỏe cho hành trình “vượt Mã Pì Lèng” vào ngày thứ 2.
Ngày 2: Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Mậu Duệ – Đường Thượng – Quản Bạ – Hà Giang
Điểm tham quan du lịch Hà Giang ngày 2: Chợ Phiên Đồng Văn, Cafe phố cổ, Mã Pì Lèng, Mèo Vạc, Cung chữ M, Lùng Tám, Hà Giang.
So với ngày 1 thì ngày 2 phải chạy ít hơn, chủ yếu là do vào cột cờ Lũng Cú, chạy sẽ thoải mái hơn.
Sáng: 6h sáng thức dậy vệ sinh cá nhân và trải nghiệm chợ phiên Đồng Văn, ăn sáng, uống cafe phố cổ.
Trải nghiệm chợ phiên ở Đồng Văn: Từ nhà nghỉ Lý Hoan thì chợ phiên ngay trước mặt. Bạn có thể dậy sớm để quan sát cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa tấp nập của bà con đồng bào nơi đây.
Ăn sáng: Khi nhắc đến ăn sáng ở Đồng Văn thì bất cứ ai đã đến đây đều chỉ hoặc nhắc đến bánh cuốn bà Hà nổi tiếng.
Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín, chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung và để một lúc, sau đó cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn và không nát. Nước dùng đậm đà, ngọt lừ từ xương hầm, dậy thơm hành mùi khó cưỡng. Thêm vài miếng chả, một chút tiêu, ớt, dấm chua sẽ tạo nên mùi vị khó quên của vùng cao nguyên đá.
Quán ở ngay gần cafe phố cổ. Bạn có thể hỏi tất cả mọi người ở Đồng Văn để nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình.
Cafe sáng: Sau khi ăn sáng xong, mình chọn thưởng thức một ly cafe phố cổ để lên dây cót tinh thần cho ngày 2 – “vượt Mã Pì Lèng”.
Sau khi thưởng thức trọn vẹn những trải nghiệm trên ở buổi sớm ở Đồng Văn, mình về khách sạn check-out và bắt đầu hành trình vượt Mã Pì Lèng. Lưu ý, trước khi rời Đồng Văn bạn nhớ đổ xăng nhé (lần thứ 3).
Vượt Mã Pì Lèng
Đèo Mã Pí Lèng là một trong 4 tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam, nằm trên con đường mang tên là Hạnh Phúc dài gần 20km nối 2 thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Tương truyền các bạn trẻ khi yêu nhau cùng nhau vượt qua đèo này sẽ đến được hạnh phúc.
Ở trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng có dãy đồ nướng, cũng giống như các đỉnh đèo khác họ mở các quầy nướng và bày bán những đặc sản địa phương. Nếu là tín đồ của những món nướng thì bạn không nên bỏ qua nhé. Ăn một cái bắp nướng, trứng nướng giữa cái lạnh và mây mù của Pì Lèng là một trong những trải nghiệm mà bạn cũng có thể lưu luyến khi trở về đấy.
Rời Mã Pì Lèng, bạn đi xuống thung lũng Mèo Vạc. Do cung ngắn chỉ có 2 ngày ở Cao Nguyên Đá nên bạn đi tiếp vòng đường Mậu Duệ (đi 1 đường về một đường không phải quay lại Đồng Văn để đi đường hôm qua đâu nhé).
Dốc chữ M
Dốc chữ M nằm trên đường từ Mèo Vạc về Mậu Duệ (trên đường về thành phố Hà Giang). Ở Hà Giang có rất nhiều con đường quanh co, hiểm trở thử thách du khách, nhưng đổi lại là cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Từ cung chữ M bạn đi tiếp hướng về Mậu Duệ. Cung đường này bạn sẽ được cảm nhận bao cảnh sắc đẹp hùng vĩ trên đường, cảm nhận được cái hơi lạnh, sương mù, mưa có miền đá.
Lưu ý trên dọc đường, bạn để ý bình xăng. Thường mình chạy đến Tam Sơn Quản Bạ mới phải đổ.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Từ Đường Thượng xã Minh Ngọc bạn đi khoảng 30km hướng ra QL 4C thì bạn tới làng dệt lanh thổ cẩm nổi tiếng Lùng Tám. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong. Với người dân nơi đây “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên”.
Từ Lùng Tám đi về Quản Bạ có một cây cầu treo rất đẹp bắc qua bờ sông Miện. Mình gọi vui nó là “San Francisco của Hà Giang”.
Trưa: Bạn có thể dừng nghỉ ăn trưa ở Quản Bạ. Tại đây bạn có thể qua nhà hàng Lợi Hợp ở ngay đối diện cổng đài truyền hình Tam Sơn, Quản Bạ. (Địa chỉ cụ thể: Tổ 1 Thị trấn Tam Sơn, số điện thoại 0946.246.226). Ở đây giá cả cũng hợp lý, đồ ăn tươi và ngon, trung bình mỗi suất từ 100K-140K. Mình thường chọn các món ăn đơn giản chủ yếu là rau và thịt ba chỉ rang cháy cạnh, cơm canh, gà xào gừng thì hết khoảng 130K/người.
Tối: Về tới thành phố Hà Giang, bạn có thể ở homestay hoặc chỗ thuê xe để nghỉ ngơi một chút, chờ xe về Hà Nội.
Ăn tối: Ăn Tối ở Hà Giang thì bạn đừng bỏ lỡ món cháo ấu tẩu – một trong những món tuyệt đỉnh mỹ vị không thể bỏ qua. Địa chỉ quán ăn nằm ngay trong trung tâm thành phố – Quán Hương ở 171 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Giang. Giá mỗi bát là 35K nhé!
Đêm 3: Hà Giang – Hà Nội
Lên xe về Hà Nội, thường các địa chỉ cho thuê xe có hỗ trợ đưa ra bến xe hoặc bạn đặt tùy nhà xe có hỗ trợ đón.
Chi phí du lịch Hà Giang 2 ngày
Các chi phí du lịch Hà Giang cho 2 ngày bao gồm:
- Vé Xe Hà Nội Hà Giang: 400K/2 chiều
- Thuê xe máy ở Hà Giang: 400K/2 ngày (nếu đi 2 người thì chia đôi ra còn 200K)
- Nhà nghỉ ở Đồng Văn: 200K/ phòng (nếu đi 2 ngày còn 100K)
- Xăng xe đổ full 2 ngày 200K (nếu đi 2 ngày còn 100K)
- Ăn: 2 sáng (70K) 4 chính (400K) tổng: 470K
- Cafe, nước dọc đường: 100K
- Ăn vặt: 50K
Tổng chi phí cho 1 người: 1.420.000đ. Song để chắc chắn và phòng những chi phí phát sinh, bạn có thể mang theo 2 triệu là sẽ có một chuyến du lịch Hà Giang tự túc trọn vẹn trong 2 ngày.
Nên mua gì làm quà khi đi du lịch Hà Giang
Đối với một số các bạn ở xa khi đi du lịch, hay tín đồ của việc đi du lịch mua quà về thì mình xin gợi ý một số quà đặc sản ở Hà Giang mà bạn có thể mua về nhé.
- Chè shan tuyết – loại chè khá ngon và đặc biệt ở Hà Giang vì chúng được ngự trên núi cao và được lấy từ những gốc cây cổ thụ có niên đại hàng trăm năm. Giá rẻ nhất trung bình tầm 400-500K/kg. Nếu các bạn ở miền Nam có bố mẹ từng là người Bắc thì mua chè về biếu bố mẹ thì sẽ rất phù hợp đấy. Còn bố mẹ là người Nam thì kông nên mua vì chè ngoài này khá đắng và chát nếu không uống quen.
- Mật ong Bạc Hà: Nếu đi vào mùa cuối đông đầu xuân, bạn sẽ thấy ngập tràn sắc tím của hoa bạc hà. Đây cũng là lúc vừa hết mùa thu hoạch mật ong. Mật ong bạc hà khác những mật ong khác ở chỗ vị của nó thanh, không quá ngọt. Người dân ở đây ví hoa bạc hà như loài hoa thuốc phiện, làm ong say mê và chỉ nghiện nó thôi. Giá mật ong bạc hà khoảng 400K/lít
- Thịt trâu gác bếp hay thịt lợn gác bếp.
- Và một số đặc sản hoa quả theo mùa nữa như cam Hà Giang, Ba kích, Ngọc Cẩu…
Một số lưu ý khi đi du lịch Hà Giang
- Bạn nên có kế hoạch sớm trước ít nhất 1-2 tháng để chủ động chuyến đi của mình, tránh những trường hợp sát nút mùa hoa rồi mới lo đặt tour, đặt xe, phòng khách sạn.
- Đi ý thức: Không vứt rác bừa bãi hay nâng Hà Giang lên thành thiên đường rồi lại vùi dập, “hãy cứ để nó hoang sơ như nó vốn có đi”. “Mong các bạn đến với đây để trải nghiệm và thấu hiểu cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn của người dân, hãy chứng kiến và cảm nhận”.
- Không cho tiền, kẹo cho trẻ con bên đường. Nếu thật sự quan tâm và yêu thương các em, bạn nên chọn cách cho Ý THỨC để không tạo ra hình ảnh, thói quen xấu khi đi du lịch Hà Giang.
- Tuyệt đối không được giẫm lên hoa của người dân.
- Nếu đi bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Xe phải đảm bảo các phương tiện an toàn như: đèn pha, phản quang, phanh…
- Nên mang theo quần áo ấm khi du lịch Hà Giang vì khí hậu ở đây khá lạnh. Bạn cũng nên nhớ mang theo cả một túi thuốc dự phòng và lựa chọn loại trang phục thoải mái, gọn gàng, phù hợp với điều kiện địa hình vùng núi.
- Mỗi khi đến biên giới, cần vào làm việc với biên phòng nơi đây để có sự chỉ dẫn và giúp đỡ tốt nhất.
- Tránh những tò mò quá mức đối với người dân tộc địa phương.
LỜI KẾT: Cảm ơn bạn đã đọc bài chia sẻ Kinh nghiệm du lịch Hà Giang, Phượt Hà Giang hướng dẫn chi tiết do tôi viết. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc cung đường, thuê xe, ăn ngủ nghỉ thì hãy bình luận trực tiếp trong bài này hoặc inbox trực tiếp với tôi, tôi sẽ tư vấn và chỉ dẫn các bạn nhiệt tình. Facebook: Tony Hải
Nếu thấy thích thì LIKE hay thì SHARE bài viết này coi như là lời động viên và ủng hộ mình cho những bài viết sau.