Mình là Tony Hải Founder Thổ Địa Du Lịch Viettravelo. Trong bài viết này mình xin chia sẻ 26 địa điểm du lịch ở Hà Giang níu giữ hồn du khách mà bạn nhất định phải đến khi đi du lịch Hà Giang.
Có thể nói Hà Giang là điểm đến có nét đẹp vừa hoang sơ vừa hùng vĩ nhất của cả nước, xứng đáng là nơi bạn nhất định PHẢI ĐI một lần trong đời. Nơi mà dân phượt thủ rủ nhau đi mãi mà không biết chán, nhớ nhung mỗi khi trở về.
Mục Lục
- 1 Dốc Bắc Sum
- 2 Núi đôi Cô Tiên – Cổng Trời Quản Bạ
- 3 Thôn Nậm Đăm, Quản Bạ – Khu du lịch cộng đồng người Dao
- 4 Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
- 5 Đôi bờ sông Miện
- 6 Hang động Lùng Khúy – Đệ nhất động Cao Nguyên Đá
- 7 Chợ phiên Vùng cao
- 8 Rừng thông Yên Minh Hà Giang – Đà Lạt thứ hai ở cực Bắc của Tổ quốc
- 9 Du Già – bản tiên ở Hà Giang
- 10 Dốc Thẩm Mã – Kiểm định sức ngựa
- 11 Dốc 9 khoanh
- 12 Phó Bảng Thị Trấn ngủ quên hàng trăm năm ở Hà Giang
- 13 Thôn Séo Lũng, xã Phố Cáo
- 14 Thôn Lao Xa, Sủng Là
- 15 Nhà cổ Sá Húng
- 16 Thôn Lũng Cẩm, Sủng Là
- 17 Làng thiên hương
- 18 Cao Nguyên Đá Đồng Văn – Đi giữa hoang mang đá
- 19 Tam giác mạch trên mọi nẻo đường
- 20 Cột cờ Lũng Cú – Điểm cực Bắc của tổ Quốc
- 21 Dinh họ Vương – công trình kiến trúc cổ ấn tượng nhất Hà Giang
- 22 Phố cổ Đồng Văn
- 23 Đỉnh Mã Pì Lèng và con đường mang tên Hạnh Phúc
- 24 Dốc chữ M
- 25 Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
- 26 Nàng thơ Chiêu Lầu Thi
Dốc Bắc Sum
Dốc Bắc Sum là một ngọn đèo dài đầu tiên mà bạn phải vượt qua trên hành trình khám phá cao nguyên đá. Nó bắt đầu từ xã Minh Tân và trải dài cho đến cuối xã Quyết Tiến. Vượt qua dốc Bắc Sum, đứng lại đỉnh dốc và ngắm nhìn lại con đường mà bạn đã đi qua, bạn sẽ thấy vô cùng tự hào (nhất là với các phượt thủ xe máy). Nhìn từ trên đỉnh núi, dốc Bắc Sum mang hình ảnh của một chú rắn khổng lồ. Chú rắn trườn dài trên vùng núi cao Tây Bắc để tìm đến những vùng đất mới nhiều bí ẩn, một không gian văn hóa truyền thống và đậm đà bản sắc.
Ngoài sự mềm mại, duyên dáng của một dải lụa, dốc Bắc Sum còn mang trong nó rất nhiều hiểm trở với nhiều điểm khúc cua tay áo. Đây cũng là một thử thách được các bạn trẻ ưa khám phá và chinh phục luôn yêu thích. Vì chưa được đầu tư nhiều nên dốc Bắc Sum không phải là đường bê tông như đường Hạnh Phúc mà chỉ là đường đất đá đã được hình thành từ rất nhiều năm nay, được bào mòn nhiều bởi những lần lên nương của đồng bào dân tộc sinh sống quanh đây. Vì thế, con đường này là thử thách vô cùng thú vị và khi vượt qua được nó, bạn sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng.
Núi đôi Cô Tiên – Cổng Trời Quản Bạ
Cổng trời và núi Đôi Cô Tiên là điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Hà Giang. Chuyện kể rằng xưa kia, vùng đất này có một chàng trai người Mông đẹp trai có tài thổi đàn môi. Tiếng đàn môi của chàng lúc réo rắt như tiếng suối, ríu rít như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết. Tiếng đàn ấy khiến nàng tiên nữ Hoa Đào xinh đẹp trên thượng giới mê mẩn. Thế rồi Hoa Đào đã trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn. Hai người phải lòng nhau rồi nên vợ nên chồng. Nàng Hoa Đào sinh được một bé trai vô cùng xinh xắn.
Ít lâu sau, khi phát hiện ra chuyện nàng bỏ trốn, Ngọc Hoàng đã vô cùng giận dữ, sai người bắt nàng về. Nàng khóc lóc van xin được ở lại nuôi con nhưng không ai mủi lòng. Thương chồng, thương con, nàng để lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ nuôi con nàng sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ. Đó chính là núi Cô Tiên Quản Bạ ngày nay. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu mát mẻ, các loại hoa trái thơm ngon, lúa ngô tươi tốt. Con gái ở đây xinh đẹp, hai má lúc nào cũng ửng hồng, mịn màng. Và nước mắt của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.
Thôn Nậm Đăm, Quản Bạ – Khu du lịch cộng đồng người Dao
Thôn Nặm Đăm nằm cách thị trấn Tam Sơn khoảng hơn 2km, thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Tổng diện tích tự nhiên của thôn là 458 ha. Đây là một trong những địa phương đi đầu về phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại Hà Giang.
Ở Nặm Đăm vẫn mang đậm sắc màu truyền thống với những mái nhà lợp ngói âm dương đượm màu thời gian, những con người hiền hậu luôn mặc trang phục truyền thống ngay cả khi đi làm đồng. Nơi đây còn được biết đến bởi:
- Những làn điệu dân ca truyền thống như hát đối, hát giao duyên, hát đám cưới… của dân tộc Dao
- Các lễ hội tiêu biểu như lễ Cấp sắc, lễ cúng Cơm mới, lễ hội Cầu mùa…
Tất cả sẽ được đội văn nghệ gồm 12 người phục vụ khi khách có nhu cầu. Đặc biệt, trang phục phụ nữ Dao là áo dài với hoa văn tự thêu bằng tay, cùng những trang sức bằng bạc gồm hoa tai, vòng cổ, vòng tay và khăn quấn đầu rất lạ khiến bất kỳ du khách nữ nào cũng muốn mặc thử.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám
Nếu không được ai đó chỉ trước thì bạn sẽ dễ bỏ qua làng dệt trên hành trình khám phá miền cao nguyên đá Đồng Văn. Từ cổng trời Quản Bạ nhìn xuống, Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong. Với người dân nơi đây “chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”
Đôi bờ sông Miện
Sông Miện nằm ngay quốc lộ 4C, thuộc xã Cán Tý, huyện Quản Bạ tỉnh Hà Giang. Địa danh này gắn liền với truyền thuyết về núi đôi Quản Bạ. Theo đó, nước mắt khóc thương chồng con của nàng Hoa Đào đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt mát lành. Từ bao đời nay, dòng sông vẫn hiền hòa chảy, đem lại no ấm cho những bản làng.
Nhìn từ trên cao, sông Miện như một dải lụa xanh hiền hòa uốn lượn quanh những bản làng của đồng bào dân tộc, giữa những thửa ruộng bậc thang thơm mùi lúa mới. Hai bên bờ sông, cuộc sống của những bản làng vẫn diễn ra vừa thanh bình vừa sôi động. Du khách có thể chứng kiến những hoạt động thường nhật của đồng bào, tiếng cười đùa của con trẻ, tiếng trò chuyện của những người phụ nữ ra bờ sông giặt áo, tiếng gọi nhau của những người đàn ông thả lưới quăng chài. Tất cả vẽ nên một bức tranh về cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân miền đất địa đầu Tổ quốc.
Hang động Lùng Khúy – Đệ nhất động Cao Nguyên Đá
Hang Lùng Khúy nằm ở thôn Lùng khúy, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, cách trung tâm thị trấn Tam Sơn hơn 10km. Hang Lùng Khúy có chiều dài hơn 300m với nhiều nhánh rẽ khác nhau. Đây là một hang động còn rất nguyên sơ với nhiều nhũ đá lộng lẫy, hình thù lạ mắt kích thích trí tưởng tượng của bạn. Để vào tham quan hang Lùng Khúy, du khách phải gửi xe ở dưới nhà dân và đi bộ theo con đường đất dài hơn một cây số vòng quanh núi.
Hang động Lùng Khúy là tuyệt tác của thiên nhiên, niềm tự hào của người dân Quản Bạ. Theo những người dân, đến Quản Bạ mà chưa đi Lùng Khúy thì rất lãng phí. Tuy nhiên, nếu lịch trình bạn ngắn thì không nên vào đây vì từ sau núi Đôi Cô Tiên đi vào khoảng 10km. Chưa kể bạn phải đi bộ leo núi mất 1,5km. Thời gian vào điểm du lịch này mất khoảng 2 tiếng cả vào lẫn ra. Tuy nhiên, cái gì cũng có giá. Nếu sắp xếp được thời gian thì bạn hãy nên thử vào một lần nhé.
Chợ phiên Vùng cao
Chợ phiên vùng cao là nét đặc sắc, là hình ảnh sinh động và rõ nét nhất cuộc sống hàng ngày của người dân vùng cao Hà Giang. Đây cũng là nơi lưu giữ hồn du khách nhiều nhất. Bạn có thể chợ phiên vào hầu hết các ngày trong tuần.
Người đi xe máy đến chợ, kẻ dắt ngựa, đi bộ, người đi theo gia đình, đi cùng bạn bè… Ai cũng xúng xính váy áo. Họ thồ sau lưng đủ thứ, từ con gà đến đàn lợn, mớ rau mới hái trong vườn. Người lớn đi chợ bán hàng, tiện thể mua những vật dụng cần thiết. Lũ trẻ đến chợ để thỏa thích nô đùa. Có đứa túm tụm lại với đám bạn, đứa trông hàng cùng mẹ, đứa còn ẵm ngửa cũng được địu đến chợ.
Một số chợ đậm sắc màu vùng cao còn giữ nét nguyên bản như:
- Du Già (Yên Minh)
- Phố Cáo, chợ Lũng Phìn (Đồng Văn)
- Chợ trung tâm huyện Mèo Vạc
- Chợ Đồng Văn, chợ Quản Bạ…
Đặc biệt nhất là chợ tình Khau Vai, mỗi năm chỉ họp 1 lần vào ngày 27/3 âm lịch. Đây là nơi để những người có mối tình trắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng không lấy được nhau gặp lại sau thời gian xa cách. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa.
Nếu có dịp lên Hà Giang bạn hãy nhớ tham gia 1 trong những phiên chợ này nhé!
Rừng thông Yên Minh Hà Giang – Đà Lạt thứ hai ở cực Bắc của Tổ quốc
Yên Minh cách Hà Giang khoảng 100km về phía Đông Bắc, đường 4C chạy từ Cán Tỷ lên tới trung tâm phố huyện ngang qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải. Ở phía Yên Minh, núi vẫn xanh và thông mọc khắp lưng chừng trời, tràn thung lũng, một màu xanh xanh, mát mắt. Đây là địa điểm phù hợp cho các đoàn phượt nghỉ ngơi. Có người ví nơi này như một rừng thông Đà Lạt thứ hai ở cực Bắc của Tổ quốc.
Du Già – bản tiên ở Hà Giang
Du Già là một bản làng có sự kết hợp sông – núi- mây – đèo tạo thành một bức tranh mạc thủy tuyệt tác. Do không nằm trên trục đường chính QL4C nên rất nhiều người không biết bản tiên này ở Hà Giang.
Từ cầu Cán Tỷ, bạn không đi tiếp đi Đồng văn mà rẽ phải qua thôn Lũng Cẩm. Bạn đi tiếp qua xã Minh Ngọc – Đường Thượng khoảng 40km là đến Du Già. Đi đường này, bạn sẽ được băng qua những bản làng cực kì bình yên, chắc chắn sẽ làm bạn nhớ nhung khi trở về. Lần nào mình cũng chạy qua cung này thay vì chạy theo QL4C bình thường.
Cuộc sống ở đây rất bình yên thích hợp cho việc du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng nghỉ ngơi cho hành trình chinh phục cực bắc tổ quốc trở về hoặc bắt đầu.
Dốc Thẩm Mã – Kiểm định sức ngựa
Từ thị trấn Yên Minh, rẽ theo lối đi Đồng Văn bạn sẽ đi qua một con dốc uốn lượn quanh co chạy giữa hai dãy núi đá cao sừng sững. Đó chính là Thẩm Mã, cánh cổng đưa bạn đến cao nguyên đá Đồng Văn.
Dốc Thẩm Mã là ngã ba giao nhau của 3 xã: Vần Chải, Phố Cáo và Lũng Thầu. Cung đường này uốn lượn với những khúc cua rất ngoạn mục. Đây con dốc thứ 2 sau dốc Bắc Sum mà bạn sẽ nhớ khi trở về.
Có câu chuyện kể rằng ngày xưa người dân cho ngựa thồ hàng đi từ dưới chân dốc lên. Con ngựa nào mà lên đến đỉnh còn khỏe sẽ được giữ lại nuôi. Con nào yếu thở không ra hơi thì có chảo thắng cố đợi sẵn trên đỉnh. Đứng ở mỏm đá trên đỉnh dốc chụp xuống bạn sẽ có được tấm hình vô cùng ấn tượng, không lẫn với bất cứ con đường nào khác mà bạn đã từng qua.
Dốc 9 khoanh
Dốc Chín Khoanh thuộc địa phận xã Phố Cáo – Huyện Đồng Văn – Tỉnh Hà Giang.
Có bài thơ “Dốc chín khoanh” của Chu Thị Minh Huệ :
Khoanh thứ nhất – Thấy nhau
Khoanh thứ hai – Nhìn nhau
Khoanh thứ ba – Quen nhau
Khoanh thứ tư – Nhờ bà mối đến chơi
Khoanh thứ năm – Đợi người sang nói lại
Khoanh thứ sáu – Em thành nàng dâu
Khoanh thứ bẩy – Giận nhau em bỏ lên rừng
Khoanh thứ tám – Con chim gọi nhau về
Khoanh thứ chín – Em thành bà, anh thành ông
Đời người vùng cao gắn với khoanh dốc
Đi lên đi xuống vun vén cho tròn
Chín khoanh cho chín chờ mong
Con người đi hết đường cong lại về.
Phó Bảng Thị Trấn ngủ quên hàng trăm năm ở Hà Giang
Vượt qua con dốc con dốc zíc-zắc Thẩm Mã để vào đến Phố Cáo bạn rẽ trái khoảng 8km vào tới Phó Bảng.Thị trấn Phó Bảng nằm sâu bên trong thung lũng cao nguyên đá, nơi bốn bề là núi. Con đường cứ vòng vèo mãi từ dãy núi này sang dãy núi khác, nắng cứ nhảy nhót nơi lưng chừng trời và thung lũng thăm thẳm không một bóng người cho mãi đến khi bất ngờ Phó Bảng thị trấn bị lãng quên hiện ra bằng một thung lũng hoa hồng.
Thôn Séo Lũng, xã Phố Cáo
Không gian những máy ngói âm dương, nhà trình tường và những bờ rào đá nơi đây thật tuyệt. Cách trung tâm xã Phố Cáo 2 km cả nhà nhé!
Thôn Lao Xa, Sủng Là
Nhà cổ Sá Húng
Ngôi Nhà cổ thôn Há Súng, xã Lũng Táo thuộc dòng họ Vừ, hiện tại trong ngôi nhà có 3 gia đình thuộc 4 thế hệ của dòng họ Vừ, với tổng số 11 nhân khẩu đang sinh sống và cùng quản lý. Ngôi Nhà được xây dựng theo kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương: Ở giữa nhà có khoảng trống làm sân, hai bên và khu vực phía trước, sau nhà là các phòng ngủ, phòng tiếp khách, hệ thống công trình phụ được bài trí gọn gàng, khoa học. Các họa tiết trang trí trên cột nhà, cửa sổ có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Đặc biệt, ngôi Nhà cổ ở thôn Há Súng còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống và một số vật dụng quý. Theo thông tin từ người nhà dòng họ Vừ đang sống trong ngôi Nhà cổ, ngôi nhà được xây dựng từ trước khi xây dựng Dinh thự Nhà Vương, xã Sà Phìn. Do được xây dựng từ lâu nên hiện tại Ngôi nhà cũng đang bị xuống cấp.
Thôn Lũng Cẩm, Sủng Là
Lũng Cẩm trên là một trong những địa danh thuộc làng văn hóa du lịch xã Sủng Là. Lũng Cẩm trên nằm ôm trọn trong thũng lũng thơ mộng Sủng Là, xung quanh những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian. Quanh năm làng văn hóa xã Sủng Là đều mang một vẻ đẹp thơ mộng của hoa, cây cối. Màu vàng đậu tương xen lẫn cây rau thực phẩm, màu hồng thơ mộng của hoa tam giác mạch hay màu xanh mơn mởn của đám mạ mỗi khi mùa vụ tới. Cỏ cây, hoa lá xen lẫn đá của làng văn hóa xã Sủng Là trông như một bức tranh thiên nhiên đẹp và đầy màu sắc.
Làng thiên hương
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Thiên Hương nằm cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 5 km về phía Đông bắc. Thôn là nơi cư trú của 43 hộ dân tộc Tày, Nùng, Giấy; trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với trên 200 khẩu. Theo lời giới thiệu của Trưởng thôn Lương Đình Ninh, thì cộng đồng người Tày, Nùng đã sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Hiện nay, các gia đình vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của dân tộc mình, thể hiện trong các Lễ hội, trang phục, ẩm thực cũng như tập quán sinh hoạt hàng ngày.
Đến Thiên Hương, bạn sẽ có ấn tượng bởi một không gian xanh giữa bốn bề núi đá, mà nổi bật trong đó là quần thể cây đa cổ thụ có niên đại trên 100 tuổi nằm ngay đầu thôn. Tháng 5.2015, 4 cây đa trong quần thể được công nhận là cây di sản, có tuổi đời từ 700 – 750 năm tuổi. Giữa cái nắng gay gắt của mùa hè, nhưng khi vừa đặt chân đến nơi đây không khí bỗng dịu mát hẳn, những bon chen, xô bồ của cuộc sống ngoài kia dường như đã được bỏ lại phía sau. Ẩn mình giữa quần thể cây đa là Miếu thờ thần Lâm của người dân địa phương. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm, khi những cây ngô, cây lúa đã lên xanh ngoài đồng ruộng, bà con dân bản trong làng lại nô nức chuẩn bị để cúng thần Lâm. Lễ vật cúng bao gồm nhiều sản vật địa phương và những món ăn truyền thống như thịt lợn đen, thịt gà địa phương, xôi nếp nương và các loại bánh do bàn tay khéo léo, đảm đang của người phụ nữ Tày, Nùng làm ra.
Cao Nguyên Đá Đồng Văn – Đi giữa hoang mang đá
Nằm cách thị xã Hà Giang 132km theo đường 4C, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng núi đá hiểm trở và hùng vĩ ở cực bắc, cảnh đẹp tráng lệ và ấn tượng.
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.
Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù-Khau Vai-Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn).
Di sản địa tầng gồm mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé, ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; Di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai… cùng rất nhiều di sản kiến trúc-lịch sử-văn hóa-danh thắng như phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, thị trấn Phó Bảng…, các thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch.
Tam giác mạch trên mọi nẻo đường
Mùa tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ đầu tháng 10 đến hết tháng 12. Tam giác mạch trải dài những cung đường đèo là một trong những vườn hoa được du khách say mê check-in nhiều nhất.
Tam giác mạch là loại hoa đặc trưng của xứ đá tai mèo, là hình ảnh thu hút lượng lớn khách du lịch đến với cao nguyên hàng năm. Hoa tam giác mạch nở vào tháng 10 thường no nắng và gió nên có màu hồng, nhưng cũng là giống hoa này được trồng vào đầu năm thì lại thường có màu trắng, hoa nhỏ.
Đồng bào các dân tộc nơi đây gieo hạt tam giác mạch xen lẫn với những ruộng hoa màu khác và cũng có những vùng chỉ trồng dày đặc cây tam giác mạch. Thông thường, hạt gieo từ sau vụ ngô đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch.
Trên đường đi Sà Phìn, bạn sẽ gặp những thửa ruộng tam giác mạch nằm ngay khúc cua lên bãi đá mặt trăng. Giữa bốn bề núi đá, quanh năm sương mù bao phủ, thời tiết khô hạn, những con đường đổ dốc ngoằn ngoèo chìm ngập trong thung lũng… xuất hiện những vạt hoa tam giác mạch khiến người ta liên tưởng tới hình ảnh hoa nở trên đá.
Cột cờ Lũng Cú – Điểm cực Bắc của tổ Quốc
Điểm du lịch mang ý nghĩa lịch sử thiêng liêng. Đứng trên đỉnh Lũng Cú, có thể nhìn bao quát quanh cảnh hùng vĩ xung quanh. Cột cờ Lũng Cú nằm ở độ cao trung bình 1.600 mét so với mặt biển, bên trái là thung lũng Thèn Ván, bên phải là đầu nguồn dòng sông Nho Quế bắt đầu từ Vân Nam Trung Quốc đổ về Đồng Văn, Mèo Vạc.
Dinh họ Vương – công trình kiến trúc cổ ấn tượng nhất Hà Giang
Rời thôn Lũng Cẩm, bạn sẽ đến với ngôi nhà cổ đặc biệt nhất ở Hà Giang – biệt thự của Vua Mèo. Nằm giữa thung lũng Sà Phìn, đứng từ trên cao nhìn xuống, dinh thự bề thế, nguy nga. Nằm trên một quả đồi hình mai rùa, xung quanh được che phủ bởi những cây thông sa mộc cổ thụ đứng hiên ngang. Một không gian vô cùng lý tưởng. Ông vua mèo Vương Chính Đức là người từng cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Ông cũng được biết đến như ông trùm thuốc phiện ở Hà Giang. Dinh thự này được ông xây bằng đá và gỗ trong suốt 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng đông dương, tương đương với 150 tỷ thời bây giờ. Một địa điểm không thể bỏ qua khi đi Hà Giang.
Phố cổ Đồng Văn
Dãy phố dài gần một km được hình thành cách đây gần một thế kỷ, với những nét kiến trúc đặc trưng của đồng bào vùng cao với nhà trình tường, mái ngói âm dương, nền lát đá…
Điểm nhấn và bắt đầu của dãy phố là khu chợ cổ, được xây bằng đá mái lợp ngói âm dương. Phố cổ Đồng Văn còn hơn 40 ngôi nhà 100-300 tuổi, trong đó ngôi nhà của dòng họ Lương được xác định là lâu đời nhất.
Những đêm rằm, toàn bộ dãy phố được thắp sáng bằng những chiếc đèn lồng đỏ với nhiều kích cỡ, phục vụ ẩm thực và các hoạt động văn hóa khác.
Đỉnh Mã Pì Lèng và con đường mang tên Hạnh Phúc
Đèo Mã Pí Lèng là một trong 4 tứ đại đỉnh đèo đẹp nhất Việt Nam nằm trên con đường mang tên là Hạnh Phúc dài gần 20km nối 2 thị trấn Đồng Văn và Mèo Vạc. Tương truyền các bạn trẻ khi yêu nhau cùng nhau vượt qua đèo này sẽ đến được hạnh phúc.
Dốc chữ M
Dốc chữ M nằm trên đường từ Mèo Vạc về Mậu Duệ (trên đường về thành phố Hà Giang). Ở Hà Giang có rất nhiều con đường quanh co, hiểm trở thử thách du khách, nhưng đổi lại là cảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì – Di tích quốc gia là hệ thống ruộng bậc thang trên địa bàn các xã Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên. Bà con các dân tộc La Chí, Dao đỏ, Dao áo dài, Nùng là chủ nhân của những thửa ruộng bậc thang trên địa bàn sáu xã nói trên.
Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây tỉnh Hà Giang. Điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên đã tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Sản xuất nông nghiệp là chính với người dân các dân tộc trên địa bàn.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì xuất hiện từ vài ba trăm năm trước. Việc làm nương rẫy, canh tác trên những mảnh đất hẹp bìa rừng, ven sông suối không mang lại nhiều thóc gạo và ngô, người dân địa phương đã tìm đến hình thức canh tác ruộng bậc thang trên các sườn đồi.
Trải qua nhiều thế hệ, con người tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc canh tác cũng như bảo tồn và phát triển ruộng bậc thang từ các khâu lựa chọn đất, khai phá ruộng, làm bờ ruộng, lấy nước tưới tiêu…
Ruộng bậc thang, một hình thức canh tác mang đặc trưng riêng của đồng bào vùng cao trong khu vực Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Hoàng Su phì ở Hà Giang nói riêng hay ở một số địa phương vùng cao phía Bắc Việt Nam nói chung mang ý nghĩa lịch sử, minh chứng rõ nét nhất về lịch sử định cư lâu đời và tập quán lao động sản xuất nông nghiệp của bà con các dân tộc thiểu số trong vùng.
Nàng thơ Chiêu Lầu Thi
Chiêu Lầu Thi tên tiếng việt có nghĩa là “Chín tầng thang”. Theo tiếng Hán “Chiêu Lầu” có nghĩa là chín bậc, “thi” là tảng đá to và cao. Tên “Chín tầng thang” chính là đoạn đường leo lên đỉnh núi, ngày xưa được người đời kiến tạo thành những bậc đá lên xuống, từ độ cao hơn 2.300 m lên đến đỉnh cao 2.400 m. Chân núi Chiêu Lầu Thi có 13 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần. Tương truyền rằng, theo người già kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam, định dùng ngọn núi này làm điểm quan sát một vùng rộng lớn. Nên đã thuê đồng bào phá đá mở đường lên đỉnh núi. Pháp thuê thợ là người Hán đục đá từ chân lên đến đỉnh núi bằng 9 bậc thang đá. Ở đây, cũng đã từng tồn tại hoạt động cách mạng của cán bộ Việt Minh từ những năm cách mạng tháng Tám của nước ta.
Thời điểm thích hợp để leo Chiêu Lầu thi là từ tháng 9-12, vào thời điểm này bạn sẽ trải nghiệm được nàng thơ Chiêu Lầu Thi bồng bềnh trên biển mây.
==> Xem thêm: kinh nghiệm leo Chiêu Lầu Thi
Nếu chưa có cơ hội để đi và khám phá tất cả các địa điểm check in ở Hà Giang tuyệt đẹp phía trên, bạn cũng nên lựa chọn cho mình một lịch trình khám phá Hà Giang ngày gần nhất để trải nghiệm dần từng địa điểm này nhé!
Xem thêm:
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang tự túc đúc kết từ thổ địa
Tour Hà Giang 3 đêm 2 ngày đặc sắc từ thổ địa
Đặc sản Hà Giang nên thử
Ảnh Phớn, Tony Hai, Hachi8